Hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi ếch trong ao ít bệnh, sản lượng thịt cao
Nhiều năm trở lại đây khi nhu cầu về tiêu thụ thịt ếch ngày càng tăng mà số lượng ếch trong tự nhiên còn lại rất ít, nhiều bà con nông dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi ếch thịt để bán. Nhiều mô hình nuôi ếch thành công đem lại nguồn thu nhập ổn định, kinh tế gia đình phát triển. Tuy nhiên cũng không ít bà con do chưa nắm rõ được kỹ thuật nuôi nên còn gặp nhiều khó khăn trong cách nuôi ếch. Bài viết này xin được gửi đến bà con nông dân kỹ thuật nuôi ếch trong ao đơn giản mà rất hiệu quả.
1. Đặc điểm của ếch
Ếch là loài động vật lưỡng cư sống được cả trên cạn và dưới nước. Trong tự nhiên ếch thường sống ở những nơi ẩm ướt gần bờ nước của ao, hồ, sông. Thức ăn chủ yếu của chúng bao gồm các loài côn trùng nhỏ, cá ốc hay giun. Ếch thường kiếm ăn vào ban đêm.
1.1 Đặc điểm hình thái của ếch
Ếch có bộ da trần, trên phủ chất nhầy giúp chúng giữ ẩm và hô hấp. Đầu ếch dẹp và nhọn khớp với thân thành một thể thống nhất. Ếch di chuyển trên cạn nhờ 4 chi có ngón, khi dưới nước chúng dùng hai chi sau có màng để bơi đồng thời để mắt và mũi nhô lên mặt nước để hô hấp.
1.2 Đặc điểm sinh học
Ếch thích hợp nuôi ở những khu vực yên tĩnh, ít có tiếng động, ít người qua lại.
Nước để nuôi ếch có thể là nước sông nước ao, hay nước giếng nhưng phải là nước sạch, không bị nhiễm mặn hay hóa chất độc hại. Nhiệt độ môi trường thích hợp nhất để ếch sinh trưởng và phát triển là 28-30 độ C. pH nước trong khoảng 6,5- 8,5, độ mặn không quá 5%.
Chu kỳ sống của một cá thể ếch gồm 3 giai đoạn:
- Nòng nọc: giai đoạn này kéo dài khoảng 21-28 này, nòng nọc sau khi nở từ trứng sẽ sống hoàn toàn trong môi trường nước. Chúng ăn các loài sinh vật phù du hoặc thức ăn bổ sung do con người cung cấp trong môi trường nhân nuôi.
- Ếch giống: có khối lượng từ 2-50g ưa thích sống trên cạn gần nơi có nước. Thức ăn bao gồm côn trùng, cá nhỏ, giun, ốc và cám dạng viên.
- Ếch thịt trưởng thành: ở giai đoạn này ếch đạt khối lượng trung bình 200 – 300g có thể sử dụng làm ếch thương phẩm hoặc để nhân giống.
Mùa sinh sản của ếch thường là vào cuối xuân sau những trận mưa rào lớn. Ếch là động vật thụ tinh ngoài.
1.3 Giá trị kinh tế từ nghề nuôi ếch
Hiện nay trên thị trường thịt ếch trở thành một món ăn khá phổ biến. Thịt ếch thơm ngon, dễ chế biến nên được rất nhiều người ưa chuộng. Không chỉ ở thị trường trong nước mà thịt ếch đông lạnh còn được rất nhiều nước nhập khẩu.
Ếch dễ nuôi mau lớn, có giá trị kinh tế cao nên nghề nuôi ếch ngày càng thu hút được nhiều bà con quan tâm và phát triển.
Cách nuôi ếch trong ao đơn giản, không phải chăm sóc nhiều.
2. Kỹ thuật nuôi ếch trong ao – Chuẩn bị ao nuôi
Thiết kế ao nuôi ếch là một công việc được người nuôi thực hiện trước khi nhập ếch giống về. Tùy thuộc vào điều kiện và nhu cầu mà bà con chuẩn bị diện tích nuôi ếch cho phù hợp. Tuy nhiên bà con không nên làm ao quá to như vậy sẽ khó quản lý và chăm sóc. Ao thường có diện tích từ 30- 300m2 là hợp lý. Xung quanh ao bà con có thể dùng bạt nilon để phủ hoặc xây gạch, dựng lưới cao từ 1-1,2 m để nuôi tránh trường hợp ếch nhảy ra ngoài.
– Mắt lưới: người nuôi nên chọn mắt lưới có kích thước khoảng 0,5- 1cm. Nếu mắt lưới quá to hơn 1cm ếch rất dễ thoát ra ngoài còn nếu chọn loại mắt quá nhỏ thì chất thải của ếch sẽ bị tích tụ gây ô nhiễm môi trường.
Các lồng nuôi bằng lưới này có kích thước chiều dài khoảng 4m, chiều rộng 3 m và sâu khoảng 1,2 m.
Trong ao có lắp đặt hệ thống cấp và thoát nước ở hai bờ đối diện nhau đảm bảo hoạt động thay nước dễ dàng.
– Ếch là động vật lưỡng cư nên khi nuôi ếch bà con tạo giá thể cho ếch lên cạn bằng cách làm bè gỗ, tre, ván sao cho diện tích giá thể chiếm khoảng 50% diện tích ao. Trong ao bà con thả thêm lục bình hoặc rau muống để ếch có nơi trú ngụ. Nếu ao quá rộng khi thiết kế ao bà con có thể trồng cây bóng mát xung quanh để tạo bóng râm cho ếch tuy nhiên nên chú ý thu gom lá cây rụng thường xuyên tránh ảnh hưởng đến môi trường nước.
Xây dựng ao nuôi ếch ở những khu vực có người người qua lại hoặc không quá ồn ào.
3. Chọn giống và thả giống
Chọn con giống là công việc rất quan trọng trong kỹ thuật nuôi ếch trong ao. Chất lượng con giống sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng và chất lượng ếch thương phẩm.
Để đảm bảo chất lượng con giống người nuôi lựa chọn các cơ sở cung cấp có uy tín và kinh nghiệm nhân giống lâu năm.
3.1 Thời vụ nuôi ếch
Thời vụ thích hợp để nuôi ếch là từ tháng 4 đến tháng 9. Nuôi ếch đúng thời vụ sẽ đảm bảo tốt các điều kiện môi trường thích hợp cho ếch phát triển.
3.2 Tiêu chuẩn chọn ếch giống
Chọn ếch giống khỏe mạnh, kích cỡ đều nhau, ếch hoạt động nhanh nhẹn, màu sắc tươi sáng, không có dấu hiệu bệnh lý hay dị tật.
3.3 Kỹ thuật thả ếch giống
Chọn ngày trời râm mát, nhiệt độ dưới 30 độ C, ếch giống được vận chuyển bằng sọt, rổ tre, lồng (có lót nilon) bên trong có thả ít bèo. Trước khi thả phải cho ếch giống tắm qua nước muối loãng 3%, trong khoảng l – 2 phút rồi thả túi chứa ếch xuống ao 15 – 20 phút, cho nước vào từ từ rồi thả ếch ra.
3.4 Mật độ thả
Tùy thuộc vào kích thước con giống mà điều chỉnh mật độ thả cho phù hợp. Đối với ếch giống có kích cỡ khoảng 100 – 200 con/kg.
Ở tháng đầu tiên kích thước cơ thể của ếch nhỏ nên thả với mật độ 100 – 150 con/m2 từ tháng thứ hai trở đi ếch lớn hơn bà con giảm dần mật độ xuống còn 80- 100 con/m2. Tháng thứ 3 là giai đoạn ếch chuẩn bị cho thu hoạch bà con san ếch ra thả với mật độ khoảng 60-80 con/m2 để ếch mau lớn, cho sản lượng thịt cao.
4. Kỹ thuật nuôi ếch trong ao – Cho ếch ăn gì?
Để ếch mau lớn, khỏe mạnh người nuôi ếch cần nắm rõ những kỹ thuật nuôi ếch trong ao để xây dựng một quy trình chăm sóc ếch đồng bộ từ khâu xây dựng ao thả đến khâu chăm sóc cho ăn và phòng trị bệnh cho ếch.
Thức ăn là một phần rất quan trọng trong chăn nuôi ếch. Cho ếch ăn đầy đủ và cân đối chất dinh dưỡng để ếch cho giá trị kinh tế cao nhất. Thức ăn của ếch bao gồm thức ăn công nghiệp hoặc chế biến sẵn có độ đạm > 30%. Lượng thức ăn trong ngày cho ếch bằng 8 – 10% trọng lượng ếch trong ao.
Tháng đầu khi ếch còn nhỏ cho ếch ăn 3 – 4 lần/ngày sau khi ếch lớn lên thì giảm xuống còn 2 lần/ngày. Người nuôi nên tập trung cho ếch ăn vào lúc chiều hoặc tối vì đây là thời điểm ếch hoạt động nhiều.
Để hạ giá thành sản phẩm bà con nên tự làm cám viên để nuôi ếch. Bà con có thể dùng những nguyên liệu sẵn có ở địa phương như tôm, cá, cua đồng, giun đất, trứng vịt loại. Dùng máy băm nghiền đa năng của hãng 3A chế tạo và sản xuất để nghiền nhỏ nguyên liệu trước khi làm cám, sau đó các nguyên liệu được trộn với cám gạo rồi cho vào máy ép cám viên nổi 3A. Sản phẩm cám viên thu được có kích thước đồng đều, thành phần dinh dưỡng trong cám được cân bằng giúp ếch mau lớn hơn.
Để có thêm thông tin chi tiết về sản phẩm mời bà con truy cập vào
Nếu dùng cám viên bà con rải trực tiếp xuống ao để cho ếch ăn. Nếu dùng thức ăn tươi sống phải rửa sạch hoặc khử trùng rồi mới cho ếch ăn.
Đối với thức ăn là các tạp bà con có thể dùng máy cắt cá 3A để băm nghiền cá tạp thành nhỏ vụn cho ếch dễ ăn hơn nhờ đó bà con có thể tiết kiệm được thời gian sơ chế thức ăn.
Mọi thông tin về tính năng cũng như cách sử dụng mời bà con tham khảo tại
5. Kỹ thuật nuôi ếch trong ao – Chăm sóc
Để nuôi ếch mau lớn, ít bệnh bà con phải định kỳ thay nước sạch cho ếch.
Thời gian đầu khi ếch còn nhỏ chu kỳ thay nước là 2-3 ngày một lần. Từ tháng thứ 2 trở đi thay nước hàng ngày, mực nước có thể giảm xuống còn 10 – 15 cm, thời gian thay là vào buổi sáng, nếu bà con dùng nước giếng khoan thì nên giữ lại ít nhất 1 ngày rồi mới thay cho ếch.
Thường xuyên bổ sung vitamin, men tiêu hoá vào thức ăn hàng ngày để tăng sức đề kháng cho ếch.
Tắm cho ếch bằng thuốc sát trùng mỗi tuần một lần để ếch luôn khỏe mạnh.
Cứ 2 tuần tiến hành cân trọng lượng ếch 1 lần để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý. Vì ếch có tập tính ăn thịt lẫn nhau nên cần phân loại ếch theo trọng lượng để nuôi riêng.
6. Sinh sản và nhân giống ếch
Nhân giống là một khâu quan trọng trong kỹ thuật nuôi ếch trong ao. Bà con hoàn toàn có thể tự sản xuất con giống nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.
6.1 Tiêu chuẩn chọn ếch bố mẹ
Người nuôi lựa chọn những con ếch tốt từ đàn ếch thương phẩm sau đó nuôi vỗ để sinh sản. Chế độ ăn trong giai đoạn vỗ này cần tăng tỉ lệ đạm động vật.
Ếch đạt 1 năm tuổi là bắt đầu có thể sinh sản nhưng để có chất lượng sinh sản tốt nhất là ếch bố mẹ từ 2 – 3 tuổi.
Ếch trưởng thành đẻ 2 đợt/ năm, chúng thường đẻ vào khoảng tháng 3, tháng 4. Đợt hai đẻ cách lần một khoảng 3 tuần lễ. Đối với ếch cái năm đầu đẻ được 2.500 – 3.000 trứng đến năm thứ 2,3 khi đã thành thạo sinh sản có thể đẻ đến 4.000 – 5.000 trứng và tỷ lệ trứng nở ngày càng cao.
– Ếch sinh sản có thể nuôi chung đực cái hoặc nuôi riêng nếu diện tích rộng gần đến thời điểm giao phối mới cho chúng nhốt cùng nhau với mật độ 5 cặp/m2. Đến khi ghép đôi dùng kỹ thuật phun mưa nhân tạo để kích thích ếch bắt cặp và sinh sản. Thời điểm này tránh tạo ra tiếng ồn ếch giật mình thì sẽ không đẻ. Trứng đẻ ra trôi xuống nước rồi nổi thành từng đám tròn trên mặt nước.
6.2 Kỹ thuật nuôi ếch trong ao – Ươm trứng
Với kỹ thuật ươm trứng này bà con có thể thực hiện ngay trong ao ếch đẻ hoặc trong bể ươm.
– Ươm ngay trong ao: áp dụng cho những ao sạch sẽ, nước ao không bị ô nhiễm thì có thể để trứng nở trong ao. Ưu điểm của phương pháp này là không tốn công vớt trứng đồng thời giảm được tỷ lệ trứng vỡ. Sau khoảng nửa tháng trứng nở thành nòng nọc, chúng có thể sử dụng ngay nguồn thức ăn tự nhiên trong nước đồng thời cung cấp thêm bột mì, bột gạo với lượng thức ăn mỗi ngày khoảng 200-300g cho 10.000 con.
– Ươm trong bể: Sau khi ếch đẻ trứng xong tiến hành thu gom trứng lại để ươm. Ưu điểm của cách làm này là hạn chế được sự hao hụt con non đồng thời thuận lợi cho quá trình chăm sóc.
Bà con có thể xây dựng bể ươm bằng gạch xếp thành hình chữ nhật có kích thước 1,0m x 0,8 m x 0,3 m sau đó dùng nilon để lót cho bể, mực nước trong bể để khoảng 20cm. Mật độ ươm là 10.000 – 30.000 trứng/m2, nhiệt độ nước thích hợp để trứng nở là từ 25 – 30 độ C.
Lưu ý ếch đẻ ban đêm nên sáng sớm hôm sau cần đi vớt trứng ngay tránh để lâu trứng bị trương nước sẽ dễ vỡ hơn trong quá trình thu trứng. Không để trứng chồng lên nhau sẽ làm trứng dễ bị ung.
6.3 Từ nở đến 7 ngày tuổi
Đối với cách ươm ếch trong bể thì sau khi trứng nở hết phải tiến hành vớt hết vỏ trứng và chất nhầy trong bể rồi thay nước sạch cho nòng nọc.
Trong 3 ngày đầu không cần cho nòng nọc ăn từ ngày thứ 4 trở đi nòng nọc đã có thể ăn được các động vật phù du cỡ nhỏ ở trong nước. Vì nuôi trong môi trường thiếu dinh dưỡng nên người nuôi bổ sung cho nòng nọc bằng lòng đỏ trứng luộc chín bóp nhuyễn rồi rải đều xung quanh bể. Với 10.000 con mỗi ngày cần khoảng 4 quả trứng chia đều 4 bữa. Thay nước mỗi ngày cho bể 1 lần trước lúc cho ăn là tốt nhất.
6.4 Từ 8 ngày tuổi đến ếch giống
Từ ngày thứ 8 trở đi đưa nòng nọc ra ao có diện tích rộng hơn để nòng nọc mau lớn và không cắn nhau, mật độ thả là 2.000 – 3.000 con/m2.
– Chuẩn bị ao ươm diện tích vài chục mét vuông, mực nước khoảng 0,5- 1m. Bờ ao được xây bao quanh để tránh ếch con nhảy ra. Ao phải được dọn vệ sinh sạch sẽ và bón phân hữu cơ để nuôi thực vật trong ao làm thức ăn cho nòng nọc.
Cho nòng nọc ăn thức ăn tổng hợp theo tỉ lệ 70 – 80% bột ngũ cốc (ngô, cám, gạo) và 20 – 30% đạm động vật. Thức ăn phải được nấu chín trước khi cho nòng nọc ăn theo định lượng khoảng 0,5 – 1kg/10.000 con/ ngày.
– Nòng nọc bắt đầu mọc 2 chân sau từ ngày thứ 15- 21 sau nở thời gian này cần theo dõi thường xuyên tình hình sức khỏe của con giống nếu mật độ dày cần san bớt sang ao khác duy trì mật độ con giống ở mức 500 – 1.000 con/m2.
Sau khoảng 1 tháng nòng nọc mọc đủ 4 chân, giai đoạn này chúng thường xuyên ngoi lên mặt nước để thở. Thả bèo tây vào ao để chúng có chỗ trú ẩn kèm theo các tấm ván nổi làm bè. Thời kỳ này nòng nọc sử dụng dinh dưỡng ở đuôi nên giảm bớt ⅓ lượng thức ăn tinh. Cho ếch ăn bằng cám viên nổi có độ đạm 40%. Lượng thức ăn trong ngày khoảng 1kg cám cho 1000 con chia làm 2 – 4 lần. Bà con cho ếch ăn đúng vào những thời điểm cố định trong ngày.
Khi ếch con đạt kích cỡ khoảng 100 – 200 con/kg là có thể làm ếch giống.
7. Phòng bệnh hại ếch
Trong kỹ thuật nuôi ếch trong ao bà con cần chú ý công tác phòng trừ bệnh cho ếch nhằm giảm thiểu tới mức thấp nhất hao hụt. Người nuôi ếch cần trang bị cho mình những kiến thức để kịp thời phát hiện và phòng trừ cho hiệu quả. Nguyên nhân chính gây bệnh cho ếch là do nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn thừa để lại. Khi môi trường sống bị ô nhiễm ếch bị bệnh ngoài da rồi vết bệnh bị nhiễm trùng làm cho ếch bị trướng bụng hoặc trên da bị lở loét, không ăn, ếch thường chết sau vài ngày.
Bà con cần thường xuyên thay nước sạch cho ếch, khử trùng toàn bộ khu vực nuôi bằng các loại thuốc khử trùng mới như: Virkon; Oxidan-tca; Han-Iodine; Benkocid… Chú ý luân phiên sử dụng để tránh hiện tượng quen thuốc.
Ếch chết cần loại bỏ ngay khỏi khu vực nuôi tránh làm ảnh hưởng xung quanh.
Kiểm soát và diệt trừ các loài động vật ăn ếch như chuột, rắn.
Tránh tiếng động lớn, ồn ào đột ngột làm ếch bị ăn kém và dần dần bị bệnh.
8. Kỹ thuật nuôi ếch trong ao – Thu hoạch
Ếch cho thu hoạch sau 3-3,5 tháng nuôi, đạt trọng lượng trung bình từ 200-300g/ con là đạt tiêu chuẩn xuất bán thương phẩm. Trước khi thu hoạch bà con cho ếch dừng ăn trước 1 ngày. Nên thu vào lúc trời râm mát, khi vận chuyển ếch bà con chú ý dùng các dụng cụ lớn để đựng ếch tránh trường hợp ếch đè lên nhau rồi chết làm ảnh hưởng sản lượng.
Trên đây là toàn bộ kiến thức tổng hợp về kỹ thuật nuôi ếch trong ao để bà con tham khảo. Hy vọng những thông tin bổ ích mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bà con có những mô hình chăn nuôi ếch thành công nhất.