images

Kỹ thuật trồng măng tây và kinh nghiệm chăm sóc để đạt năng suất cao

26/06/2021

Măng tây xanh đang là sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường nông sản Việt Nam hiện nay. Cây măng tây không chỉ có nhiều dinh dưỡng, có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe mà măng tây còn có hương vị thơm ngon, chế biến được nhiều món ăn hấp dẫn. Kỹ thuật trồng măng tây không quá khó nhưng để mang lại năng suất kinh tế cao nhất thì bà con nông dân nên tuân thủ theo đúng các quy trình kỹ thuật khoa học. Vậy, cách trồng măng tây như thế nào? Cách chăm sóc măng tây ra sao? Để có những kinh nghiệm trồng măng tây hiệu quả, bà con cùng tham khảo bài viết dưới đây:

Kỹ thuật trồng măng tây

Mục lục

1. Thời vụ trồng măng tây

Cây măng tây sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiệt độ từ 15-30 độ C, do đó bà con nông dân có thể trồng măng tây vào hai thời vụ như sau:

– Vụ thu đông: Gieo vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 để trồng vào tháng 2, tháng 3 dương lịch.

– Vụ xuân hè: Gieo cuối tháng 2 đến tháng 4 để trồng từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch.

2. Giống và cây con giống măng tây

2.1. Giống măng tây

– Bà con cần lựa chọn các giống măng tây phù hợp với vùng sinh thái, có tiềm năng năng suất cao, khả năng chống chịu tốt và đáp ứng được yêu cầu thị trường.

– Lựa chọn và mua giống măng tây ở đâu? để có được hạt giống đảm bảo là một yêu cầu rất quan trọng. Hạt giống cần có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chất lượng đạt tiêu chuẩn.

2.2. Kỹ thuật sản xuất cây con giống 

Kỹ thuật sản xuất cây con giống 

Ươm cây giống măng tây trực tiếp trên đất:

  • Bà con chọn đất nơi cao ráo, chủ động tưới tiêu, lên luống rộng khoảng 12m2, dải một lớp giá thể tơi xốp dày 30cm. Trộn giá thể làm vườn ươm theo tỷ lệ 1/4 đất + 1/4 phân chuồng + 1/4 cát sạch + 1/4 trấu hun. Nên ươm cây giống trong nhà lưới, nhà kính hoặc dùng vòm che thấp.
  • Lượng hạt giống phù hợp cho 1.000 m2 vườn ươm là 0,5 – 0,7 kg hạt giống.
  • Xử lý hạt giống măng tây trước khi gieo: Phơi hạt giống trong nắng nhẹ khoảng 2h, sau đó rửa sạch, ngâm trong nước ấm khoảng 45-50 độ C trong vòng 12 đến 14 giờ, sau đó vớt ra, rửa sạch và đem ủ hạt trong cát ẩm (đã được làm sạch và khử trùng), để trong điều kiện 24-25 độ C đến khi nhú mầm rễ dài 0,5-1mm thì đem đi reo. Kéo từng rãnh dài trên mặt luống bằng dụng cụ làm luống khi đạt chiều sâu khoảng 1,5cm. Đặt hạt vào rãnh với khoảng cách giữa cây với cây là 15cm, các rãnh cách nhau 10cm. Cuối cùng lấp đất bằng mặt luống.

Ươm giống măng tây trong bầu nilon:

Chọn giá thể, xử lý và ngâm ủ tương tự như với cách gieo trực tiếp vào đất. Tuy nhiên, ươm giống măng tây trong bầu nilon thì giá thể được đựng trong các túi bầu có đục lỗ với các kích thước khác nhau tùy theo thời gian ươm bầu (thời gian ươm 6 tuần: sử dụng túi bầu có kích thước 8x12cm, thời gian ươm 8 tuần sử dụng túi bầu có kích thước 10x15cm, thời gian ươm bầu 12 tuần sử dụng túi bầu có kích thước 15x20cm).

2.3. Kỹ thuật trồng chăm sóc cây con giống măng tây

– Tưới nước: Bà con nên sử dụng nước sạch để tưới cho cây. Cây giống cần thường xuyên được giữ ẩm.

Trước khi xuất vườn 3-4 ngày bà con ngưng tưới nước cho cây. Đối với cây gieo trực tiếp thì trước khi nhổ 3-4 giờ thi tưới ẩm để không làm tổn thương bộ rễ của cây.

Bổ sung dinh dưỡng định kỳ cho cây bằng cách hòa loãng phân tổng hợp NPK 16.16.8 với nồng độ 0.5% (50g/10 lít nước) để tưới.

+ Khi nhổ cây xuất vườn nên nhổ vào sáng sớm hoặc chiều mát, cần nhổ cây nhẹ nhàng, tránh dập nát.

+ Tiêu chuẩn cây con giống khi xuất vườn: cây khỏe mạnh, cao từ 50-70 cm, có 3-5 nhánh thân, có >10 rễ thật;  tuổi cây con khi xuất vườn có độ tuổi từ 60-90 ngày, tuỳ thuộc vào giống, điều kiện ươm và chăm sóc bầu cây con măng tây.

2.4. Trồng măng tây bằng rễ

Ngoài trồng măng tây xanh bằng cây con giống, bà con có thể trồng măng tây bằng gốc cây. Bà con cần chọn những gốc măng xanh, khỏe mạnh, cây vươn dài, không nhiễm bệnh. Từ một gốc măng lớn tách thành các gốc măng nhỏ nhưng phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn ít nhất 1 cọng măng và 20 cọng rễ trở lên để cây măng được đảm bảo phát triển tốt nhất.

3. Đất phù hợp trồng măng tây

Cây măng tây thuộc cây trồng lâu năm, có bộ rễ phát triển mạnh nên đất trồng phải được lựa chọn kỹ càng. Đất trồng loại cây này đòi hỏi phải được ổn định trong thời gian dài (10-15 năm). Để cây măng tây phát triển tốt, cho năng suất cao bà con cần chọn đất có độ phì nhiêu cao, các loại đất có thành phần cơ giới nhẹ, thoát nước tốt như đất cát pha, đất phù sa, đất cát đỏ, đất thịt nhẹ, đất đỏ bazan, đất nham thạch núi lửa, đất pha cát với tỉ lệ cát chiếm từ 30 đến 60%, đất đồi núi tơi xốp không có đá ngầm hoặc sạn sỏi quá lớn.

Mặt khác, bà con không trồng măng tây trên đất phèn, ngập úng,… Nếu đất trồng có tầng sét, tầng phèn và mực nước ngầm nông <50cm dưới mặt đất tự nhiên thì phải tôn cao đáy liếp đất trồng cao hơn tầng sét, tầng phèn và mực nước ngầm khoảng >30-50cm để tránh tình trạng rễ cây măng tây bị nhiễm phèn, ngập úng.

Cách trồng măng tây

4. Kỹ thuật trồng măng tây

4.1. Làm đất

Kỹ thuật trồng măng tây

Trước khi trồng măng tây, bà con cần làm đất trồng măng tây trước khi gieo trồng. Trung bình trước khi lên luống từ 10-15 ngày, bà con cần làm đất bằng phẳng, cày bừa kỹ, phơi ải, nhặt sạch cỏ dại, xử lý nấm bệnh và tuyến trùng, loại bỏ các vi sinh vật có hại.

– Xử lý cỏ dại: bà con có thể thực hiện một số phương pháp để xử lý triệt để cỏ dại sau:

  • Phương pháp 1: Bà con sử dụng mùn cưa sạch, phân hữu cơ ủ hoai mục, rơm sạch ủ hoai, trấu ủ hoai mục. Phương pháp này hạn chế được tối đa lượng cỏ dại. Tuy nhiên, phương pháp này có hạn chế là nơi trú ngụ của các loại sâu bệnh, trứng sâu ẩn nấp trong những đám mùn cưa, rơm rạ,… Do đó cần kết hợp một số loại thuốc sinh học/vi sinh để xử lý.
  • Phương pháp 2: Bà con ngâm cỏ dại trong nước vôi, phương pháp này xử lý khá triệt để với vườn có nhiều cỏ dại khó trị. Thời gian ngâm kéo dài từ 7 đến 10 ngày, cần duy trì mức nước vôi có trong ruộng. Phương pháp này có nhược điểm là khó duy trì lượng nước, các hệ thống vi sinh vật có lợi và có hại đều bị hủy diệt. Chúng ta sẽ mất nhiều chi phí để cải tạo lại hệ thống vi sinh vật bằng phân trùn, phân hữu cơ…
  • Phương pháp 3: Xử lý bằng nhiệt sẽ làm cỏ dại chết trên bề mặt. Phương pháp này chi phí đầu tư khá tốn kém nên bà con có thể tham khảo thêm.
  • Phương pháp 4: Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Roundup 480SC, Dream 480SC, Niphosate 480SC, Bravo 480SC… Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc diệt cỏ. Nhưng bà con chỉ nên sử dụng những hoạt chất trong danh sách lưu hành của bộ nông nghiệp và dùng theo theo nguyên tắc 4 đúng. Sau khi dùng thuốc diệt cỏ, bà con tiến hành phơi đất khoảng 15-20 ngày. Sau đó tiến hành xử lý tuyến trùng, trứng sâu trong đất.

–  Xử lý tuyến trùng, côn trùng, nấm bệnh, vi sinh vật hại

Sau khi xử lý cỏ dại, bà con tiến hành xử lý tuyến trùng, côn trùng, nấm bệnh và các vi sinh vật có hại. Có một số phương pháp xử lý bao gồm bằng sinh học và hóa học. Tuy nhiên, phương pháp xử lý nấm bệnh, tuyến trùng, vi sinh vật hại bằng vôi là phương pháp hiệu quả và tiết kiệm nhất. Có thể tùy theo tình trạng của bệnh và độ Ph của đất để xử lý. Bà con tiến hành rắc vôi lên bề mặt đất, rồi tiến hành cày ải từ 20 đến 30cm, sau đó từ từ tưới nước để vôi ngấm dần, sau khoảng 7-10 ngày sau rồi tưới nước lần 2. Nhược điểm của phương pháp này là toàn bộ sinh vật có lợi, có hại đều bị diệt trong quá trình hoạt hóa của vôi.

4.2. Bón vôi, bón lót

Sau khi làm đất trồng măng tây, bà con tiến hành bón vôi, bón lót cho đất. Đầu tiên bà con thực hiện rải 1-3 tấn vôi. Tùy theo độ phì nhiêu của đất mà bà con có thể bón lót với lượng phân từ 20-50 tấn phân xanh (vỏ hoặc bã thực vật, rơm rạ, tro trấu,…), phân chuồng ủ hoai với chế phẩm sinh học Trichoderma, phân hữu cơ tổng hợp, phân trùn quế,…

 

4.3. Hệ thống tưới

Bà con có thể đầu tư các hệ thống tưới như tưới rãnh, nhỏ giọt, phun sương. Tuy nhiên, phương pháp tưới phun sương không còn phù hợp do có nhiều hạn chế.

Dù sử dụng phương pháp nào, bà con cần phải xử lý được nguồn nước trước khi đưa lên sử dụng. Để xử lý nguồn nước, có thể dùng nước giếng khoan, thông qua 1 bể lọc trung gian rồi xuống kho chứa nước dự trữ và lắp hệ thống máy bơm tại đây. Tại đây, bà con có thể hoàn toàn hòa tan các loại phân vi sinh hay các thông thức ủ nhân sinh khối.

Khi sử dụng hệ thống nhỏ giọt bà con nên dùng hệ thống 2 đến 3 dây trên 1 luống. Như vậy, bà con có thể tiết kiệm thời gian tưới nước và tránh tỉ lệ độ ẩm không đều trên 1 vị trí sẽ làm nấm bệnh phát triển mạnh.

4.4. Kỹ thuật trồng cây măng tây 

Kỹ thuật trồng cây măng tây

Cách trồng măng tây xanh khá phức tạp, do đó bà con cần phải thực hiện theo đúng cách trồng cũng như kỹ thuật trồng cây măng tây. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết:

– Trước khi trồng, bà con cần lựa chọn cây măng tây đạt tiêu chuẩn. Dù trồng măng tây bằng cây con giống, hay trồng măng tây bằng gốc cũng cần lựa chọn những cây đạt tiêu chuẩn: cây sinh trưởng tốt, có màu xanh mướt, không bị nhiễm bệnh, cây con vươn dài từ 25-30cm.

– Bà con đào hố sâu khoảng 50cm. Tùy thuộc vào từng điều kiện địa lý, bà con có thể lựa chọn cách trồng măng tây xanh theo hàng đơn hay hàng đôi.

  • Trồng măng tây theo hàng đơn: Mật độ trồng măng tây phù hợp là 18.000 cây/ha. Khoảng cách giữa cây với cây là 40-50cm, hàng cách hàng 120-150cm.
  • Trồng măng tây theo hàng đôi: Mật độ trồng măng tây phù hợp là 27.000 cây/ha. Khoảng cách giữa cây với cây là 40-50cm, hàng cách hàng 120-150cm.

– Sau khi trồng xong, bà con cần phải lấy đất của 2 bên mép liếp đất trồng để vun gốc cho cây măng tây, phủ một lớp đất lên trên bề mặt cao khoảng 5cm cho những gốc cây măng tây đã trồng để bảo vệ cổ rễ và giữ cây măng tây đứng thẳng, giúp quang hợp với nắng.

– Bà con kết hợp tạo mặt liếp đất trồng măng tây theo phương dốc nghiêng về phía hai bên mép liếp để có khả năng thoát nước, sau đó thực hiện tưới nước hàng ngày kết hợp bón phân.

– Sau khi trồng bà con cần thường xuyên theo dõi cây măng tây, nếu cây có dấu hiệu nhiễm sâu bệnh, hư hỏng hoặc chết thì cần nhanh chóng thực hiện trồng măng tây bổ sung ngay.

5. Kỹ thuật trồng cây măng tây – Cách bón phân cho cây

5.1. Bón thúc sau khi trồng

  • Sau khi trồng măng tây 15-20 ngày: Bà con chọn giữ lại 4 – 6 cây mẹ khỏe mạnh trên 1 bụi, tỉa bỏ cây nhỏ, cây già và các cây bị sâu bệnh. Sau đó làm sạch cỏ dại, xới vun gốc, bón thúc từ 5 đến 7 kg N-P-K (16:16:8) và theo dõi phòng trừ sâu bệnh hại.
  • Sau khi trồng măng tây 40 ngày: Cây đã phát triển thêm nhiều thân mới. Bà con chọn giữ lại 4 đến 6 cây mẹ khỏe mạnh trên 1 bụi, tỉa bỏ các cây già, cây nhỏ và cây bị sâu bệnh. Sau đó làm sạch cỏ dại, xới vun gốc, bón thúc 5 đến 7 kg N-P-K (16:16:8), theo dõi và phòng trừ sâu bệnh hại.
  • Bà con tiếp tục chăm sóc, cứ sau 15 đến 20 ngày lại tiến hành bón thúc 5 – 7 kg N-P-K (16:16:8), bón thêm phân chuồng hoai mục ủ với chế phẩm sinh học EM, kết hợp làm sạch cỏ dại, vun gốc nhẹ, tỉa nhánh gốc và tỉa bớt các cây nhỏ, cây già yếu để lại 4 đến 6 cây mẹ khỏe mạnh, theo dõi và phòng trừ sâu bệnh hại.

chế phẩm sinh học EM

  • Sau khi trồng măng tây 135 – 140 ngày (> 4,5 tháng): Bà con chăm sóc măng đúng kỹ thuật và đủ dinh dưỡng, từ giai đoạn này cây sẽ bắt đầu trổ măng tơ. Lứa măng tơ này, khi quan sát thấy cây mẹ phát triển tốt, đường kính thân cây đạt >10-12mm, lá bắt đầu chuyển sang màu xanh đậm thì chọn giữ lại 2 đến 3 cây mẹ khỏe mạnh, sau đó tiến hành cắt hạ bớt ngọn cây măng ở độ cao 1,20m để kích thích việc trổ măng, kết hợp dưỡng cành lá thật sum suê để lấy ánh nắng quang hợp nuôi dưỡng cây măng tây, rồi tiến hành tỉa bỏ những cây già, cây bị sâu bệnh, cây nhỏ và những cành lá phát sinh ở phần gốc khoảng 40 – 50 cm để thông thoáng gió phòng tránh bệnh hại cho cây, làm sạch cỏ dại, xới xáo vun đất từ gốc, bón thúc 10 – 15kg N-P-K (16:16:8), hoặc bón thêm phân chuồng hoai mục ủ với Trichoderma, theo dõi và phòng trừ sâu bệnh hại.

Sau khi cắt bớt ngọn từ 5 đến 10 ngày, cây măng tây bắt đầu trổ măng tơ. Bà con tiến hành thu hoạch hết lứa măng tơ này (bất kể măng đạt hay không đạt chất lượng) để cây măng có chỗ trống chuẩn bị cho ra đời những lứa măng kế tiếp nhiều hơn và khỏe mạnh hơn.

5.2. Bón phân trong chu kỳ thu hoạch măng

Bà con tiến hành xới xáo kết hợp với bón phân và vun gốc. Có thể sử dụng kết hợp các loại phân bón lá dạng phun để kích thích cây phát triển. Trong thời gian đang thu hoạch măng thì không cần thiết phải bón phân cho cây.

Sau mỗi chu kỳ thu hoạch măng tây xanh từ 3 đến 3,5 tháng phải ngừng thu hoạch để thay thế cây mẹ khác. Sau khi chấm dứt thu hoạch tiến hành bón phân với liều lượng như trên, sau khi bón khoảng 35 đến 40 ngày thì cây bắt đầu cho măng tiếp tục chu kỳ thu hoạch mới.

Bà con thu hoạch lứa măng tơ mỗi ngày, khi được 12-15 ngày thì bón thúc 5 đến 7kg N-P-K (16:16:8), thu hoạch tiếp 12-15 ngày nữa thì cần tạm ngưng thu hoạch măng ngay. Không nên thu hoạch lứa măng tơ kéo dài quá 1 tháng, để tránh cho cây không bị suy kiệt, mất sức, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng các lứa măng đợt sau.

5.3. Bón thúc giai đoạn dưỡng cây mẹ thay thế

Bón thúc giai đoạn dưỡng cây mẹ thay thế

Sau khi thu hoạch xong lứa măng tơ từ 12-15 ngày, khi thấy cây mẹ thay thế vừa đủ lớn, bắt đầu bung tàn cành lá thì tiến hành cắt tỉa bỏ cây mẹ già, cây bị sâu bệnh, cây nhỏ và các cành lá phát sinh ở phần gốc khoảng 40-50cm để thông thoáng và phòng tránh sâu bệnh hại cho cây. Xới xáo vun đất đậy gốc, làm sạch cỏ non, đồng thời bón thúc 5-7kg N-P-K (16:16:8), kết hợp phun thuốc phòng ngừa nấm bệnh, sâu hại cây. Khoảng 15-20 ngày sau, khi quan sát thấy đường kính thân cây mẹ thay thế đạt  >10-12mm (lớn hơn điếu thuốc lá) + lá bắt đầu chuyển sang màu xanh đậm thì chọn giữ lại 2 đến 3 cây mẹ khỏe mạnh, sau đó tiến hành cắt hạ bớt ngọn cây măng ở độ cao 1,20m để kích thích việc trổ măng, kết hợp dưỡng cành lá thật sum suê để lấy ánh nắng quang hợp nuôi dưỡng cây măng tây; bón thúc 400 – 500kg phân chuồng hoai mục + 5 – 7kg N-P-K (16:16:8). Sau khi cắt hạ ngọn măng tây từ 5 đến 10 ngày, cây sẽ cho lứa măng mới, thời gian bắt đầu thu hoạch lứa măng thứ 2 kéo dài khoảng 2 tháng; Sau đó tiến hành nghỉ dưỡng cây mẹ khoảng 1 tháng, rồi thu hoạch lứa măng thứ 3 kéo dài trong khoảng 3 tháng. Cứ thế, bà con tiếp tục dưỡng cây và thu hoạch các lứa măng tiếp theo.

– Tỉa định cây: Sau khi thu hoạch các lứa măng trong năm thứ nhất, ở mỗi bụi măng chỉ cần giữ lại khoảng 2-3 chồi măng lớn, khỏe mạnh, sạch bệnh để làm cây mẹ thay thế. Ở các lứa măng sau: năm thứ 2 giữ lại 3-4 chồi măng làm cây mẹ thay thế; năm thứ 3 giữ lại 4-5 chồi măng làm cây mẹ thay thế; năm thứ 4 giữ lại 5-6 chồi măng làm cây mẹ thay thế; năm thứ 5 giữ lại 6-7 chồi măng làm cây mẹ thay thế. Làm như vậy chất lượng và sản lượng măng tây sẽ tăng dần lên.

Một chu kỳ dưỡng cây mẹ thay thế kéo dài 30-35 ngày, trong thời gian này cần bón thúc 15 ngày/lần, bón thúc 400 – 500kg phân chuồng hoai mục + 5 – 7kg N-P-K (16:16:8). Lượng phân này sẽ tăng dần lên theo sức lớn của các lứa cây măng tây và sẽ cho măng lớn hơn, lượng măng nhiều hơn ở các năm sau.

5.4. Trẻ hóa ruộng măng

Khi bà con thấy bụi măng chuyển thành màu vàng, lúc này cây măng tây đã già, năng suất và chất lượng của cây măng tây kém. Vì vậy, bà con cần tiến hành dưỡng những cây măng tơ. Sau đó thì nhổ bỏ những cây măng tây mẹ đã già. Thời gian trung bình của một cây măng tây mẹ là 2-3 tháng.

6. Chăm sóc cây măng tây 

Chăm sóc cây măng tây

6.1. Tưới, tiêu thoát nước cho cây

Cây măng tây cho thu hoạch chồi măng non mỗi ngày để làm thực phẩm rau ăn cao cấp, do đó cần được cung cấp đều đặn, đầy đủ nước tưới hàng ngày ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây. Bên cạnh việc bón phân, tưới tiêu là một yếu tố quyết định cho năng suất măng nhiều hay ít. Tùy thuộc vào đất mà có thể điều chỉnh lượng nước tưới cho phù hợp, nếu đất nặng thì số lần tưới ít, nếu đất nhẹ thì cần tưới thường xuyên hơn. Mùa nắng cần phải thường xuyên tưới nước mỗi ngày, giữ đều độ ẩm của đất khoảng 65-70% để có măng ngọt, mềm với năng suất, chất lượng cao. Ngược lại, mùa mưa bà con cần phải chú ý tiêu thoát nước cho thật tốt, tuyệt đối không được để úng ngập quá 24 giờ, sẽ làm cho đầu chồi măng bị biến dạng cong vẹo, gốc rễ cây măng tây và chồi măng phát bệnh, hư thối, măng bị giảm chất lượng đáng kể không thể thu hoạch được hoặc cây sẽ không cho măng.

Các phương pháp tưới nước:

  • Tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, tưới tưới ngầm. Tuy nhiên, cách tưới phun có thể làm phát sinh nhiều cỏ dại, khi đến giai đoạn cây cho măng có thể làm hỏng măng chưa thu hoạch nếu không kịp bảo vệ lá đài trên đầu các chồi măng.
  • Tưới thấm qua rãnh là biện pháp thường được sử dụng vì tiết kiệm được chi phí. Phương pháp này có thể hạn chế được cỏ dại, nhưng nếu sau khi tưới gặp trời mưa to có thể gây ra hiện tượng ngập úng làm hỏng mầm các chồi non của măng.

Lưu ý khi tưới nước cho măng tây:

Chồi măng tây sinh sôi và phát triển chủ yếu vào ban đêm. Vì vậy, bà con không được tưới nước cho cây măng tây sau 17h chiều hàng ngày. Vì nước tưới hoặc nước trời mưa to vào buổi tối nếu có sẽ làm cong vẹo đầu các chồi măng, do đó làm ảnh hưởng, ức chế việc sinh sôi nảy nở các chồi măng vào buổi tối hôm đó, từ đó mà làm giảm hoặc mất sản lượng măng vào ngày hôm sau. Bà con chỉ nên tưới nước cho cây măng tây vào các buổi sáng sớm mỗi ngày, sau khi đã thu hoạch xong lứa măng hàng ngày vào các buổi sáng.

6.2. Làm cỏ

Trong quá trình trồng và chăm sóc măng tây, bà con cần thường xuyên cắt tỉa và làm cỏ. Kiểm tra, nhổ sạch cỏ dại, cắt tỉa những cây già, cành rậm rạp ở gốc cây măng tây và các cây nhỏ còi cọc.

trồng và chăm sóc măng tây

6.3. Kỹ thuật trồng cây măng tây – Cắm cọc chống cho cây

Sau khi trồng cây măng tây, bà con cần làm giàn cắm cọc chống cho cây.

trồng và chăm sóc măng tây

– Cọc chống căng dây: bà con có thể sử dụng cọc tre, cọc bê tông, cọc sắt hộp. Tùy loại cọc mà chiều cao có thể dao động từ 1,2-2m.

– Dây đỡ cây: bà con có thể sử dụng các loại dây như: dây nilon, dây cước, dây cáp thép bọc vỏ nhựa, dây cáp điện thoại,… Để cây được chống đỡ tốt nhất nên căng 2 tầng dây đỡ, tầng 1 cách mặt đất 70 đến 80cm, tầng 2 cách tầng 1 từ 30 đến 40cm.

7. Kỹ thuật trồng măng tây – Các loại sâu bệnh trên măng tây

Do ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa nắng nóng và mưa nhiều, nên nếu không được chăm sóc đúng kỹ thuật, măng tây rất dễ bị nhiễm các loại sâu bệnh hại nhất là vào mùa mưa. Cây măng tây thường gặp các loại sâu bệnh sau:

7.1. Các loại sâu hại trên măng tây

– Bọ trĩ, rầy mềm.

– Sâu đất, sâu xanh, sâu khoang, côn trùng.

– Dế trũi, rệp sáp hại rễ, giun đất.

7.2. Các loại nấm bệnh hại trên măng tây

  • Nấm bệnh trên cây măng tây: Nấm bệnh Puccinia Asparagi khiến thân cành bị khô; nấm Fusarium Wilt, Fusarium Oxysporum hại rễ cây chết cây. Bà con có thể dùng thay đổi các loại chế phẩm: Mancozeb, Validan, Carbenzim,… phun vào giai đoạn nghỉ dưỡng cây mẹ thay thế, ngưng thu hoạch măng, hặc phun khi làm cỏ, bón phân.
  • Bệnh thối nhũn mầm măng tây do vi khuẩn hại: Khi bị bệnh này mầm măng sẽ bị thối nhũn. Cách điều trị: bà con sử dụng kết hợp 2 loại thuốc có thành phần của Oxychloride + Streptomycin hoặc Fthalide + Kasugamycin. Bà con có thể kết hợp sử dụng vôi bột để khử trùng và bón phân cho cây để cây phát triển tốt.
  • Bệnh gỉ sắt, khô thân khô cành: Khi nhiễm bệnh, thân và cành cây măng tây bị đốm, khô héo. Để phòng trừ, bà con có thể sử dụng thuốc có thành phần Mancozeb + Metalaxyl, Carbendazim + Zineb, Propineb + Kasugamycin, Fosetyl Aluminium + Sunfur.
  • Bệnh thán thư: Thân cây măng tây có những đốm vàng hoặc nâu. Bà con sử dụng thuốc có thành phần của Azoxystrobin, Propiconazole, Tebuconazole.
  • Bệnh nứt thân cây măng tây: Cây nhiễm bệnh có nhiều vết rạn nứt dài trên thân cây măng. Bà con sử dụng thuốc có thành của Propiconazole, Hexaconazole, Difenoconazole.

8. Kỹ thuật trồng măng tây – Phòng sâu bệnh hại trên cây măng tây

Phòng sâu bệnh hại trên cây măng tây

Để phòng ngừa các loại sâu bệnh hại trên cây măng tây, bà con thực hiện các biện pháp sau:

8.1. Chọn giống cây có chất lượng

Khi lựa chọn cây giống măng tây, bà con cần lựa chọn cây F1 chất lượng, không có bệnh, có xuất xứ và được kiểm chứng rõ ràng.

8.2. Cải tạo đất trồng

Bà con cần lựa chọn đất trồng măng tây giàu hữu cơ, tơi xốp, cải tạo đất bằng phẳng, cày bừa kỹ, phơi ải, xử lý cỏ dại và xử lý nấm bệnh, tuyến trùng bằng các loại thuốc diệt tuyến trùng như Sincosin, các chế phẩm có gốc đồng, Chitosan, Antracol,… để phòng trừ nấm và các bệnh hại cây.

8.3. Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh

Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại cây măng tây có thể phòng trừ được các loại sâu bệnh, tuy nhiên bà con cầm tìm hiểu kỹ hướng dẫn sử dụng của các loại thuốc trước khi phun. Khi phun cần phun đúng thuốc, liều lượng, đúng cách, đúng lúc và phun trước khi thu hoạch ít nhất 10 ngày. Phun trong khi ngưng thu hoạch măng, trong thời gian nghỉ dưỡng cây mẹ thay thế, kết hợp phun trong lúc làm cỏ, bón phân.

Ngoài ra, bà con nên sử dụng phương pháp sinh học ủ chế phẩm Trichoderma để bón phòng bệnh cho cây măng tây. Sử dụng chế phẩm Trichoderma ủ phân hữu cơ để bón cho cây trồng ngoài công dụng giúp tăng cường hệ vi sinh vật có ích trong đất, cung cấp dinh dưỡng cho cây, mà còn có tác dụng phòng trừ một số nấm bệnh có hại cho cây trồng.

9. Thu hoạch, sơ chế, bảo quản và giá bán măng tây

Thu hoạch, sơ chế, bảo quản và giá bán măng tây

9.1. Thu hoạch măng tây

Công việc thu hoạch măng tây khá đơn giản. Khi các chồi măng tây phát triển lên cao khỏi mặt đất khoảng từ 25-30cm là thời điểm cần thu hoạch ngay để sản phẩm măng đạt chất lượng cao. Khi thu hoạch xong không nên để măng tây tiếp xúc với ánh nắng làm cho chồi măng nhanh chóng bị già hóa, măng sẽ có nhiều chất xơ, mất đi chất dinh dưỡng vốn có, giảm chất lượng và giá trị thương phẩm. Thời gian lý tưởng để thu hoạch măng tây là từ 5 đến 9h sáng, trước khi mặt trời mọc để tránh măng tiếp xúc với ánh nắng.

9.2. Sơ chế và bảo quản măng tây

Ngay sau khi thu hoạch, bà con cần tiến hành sơ chế, phân loại măng, rửa sạch, cắt cỡ, cột thành bó, sau đó cần được chuyển giao ngay cho đơn vị thu mua măng tây để kịp thời gian chế biến, bảo quản và phân phối ra thị trường. Măng tây sau khi thu hoạch nếu chưa sử dụng ngày thì cần được bảo quản lạnh 2 độ C hoặc cắm chân măng vào 3-5cm nước đá lạnh. Cây măng tây cần được để vào dụng cụ đựng, tránh để nằm sẽ gây dập nát măng.

9.3. Giá măng tây

Cây măng tây xanh là loại rau nhiều dinh dưỡng, cung cấp những dưỡng chất cần thiết, tốt cho sức khỏe mỗi người. Ngoài ra, măng tây còn rất giàu dược tính có tác dụng chữa táo bón, lợi tiểu, chống lão hóa, hỗ trợ sức khỏe tim mạch,… do đó mà giá bán măng tây xanh cao hơn so với nhiều loại rau khác. Tùy theo từng loại măng tây mà giá bán măng tây giao động từ 80.000 đến 150.000đ/kg.

– Măng tây loại 1: thân cây dài 25cm, thân non xanh tươi, mức độ sử dụng 95-100%. Giá măng tây thường dao động từ 120.000-150.000 đồng/kg.

– Măng tây loại 2: thân dài từ 18cm đến 22cm, thân non xanh tươi, giá dao động từ 100.000 – 110.000 đồng/kg

– Măng tây loại 3: dao động từ 80.000 – 90.000 đồng/kg.

giá bán măng tây xanh

Trên đây là một số kỹ thuật trồng măng tây cho năng suất cao nhất. Hy vọng những thông tin trên giúp bà con hiểu thêm về mô hình trồng măng tây để từ đó có thêm những kinh nghiệm trồng măng tây cho năng suất cao và ứng dụng để trồng măng tây làm giàu trong mô hình trồng trọt của gia đình mình.

Nếu bà con gặp khó khăn trong việc trồng măng tây xanh có thể liên hệ với Viện Nghiên cứu Sinh học Ứng dụng để được tư vấn trồng măng tây hiệu quả nhất. Chúng tôi hiện có cung cấp các loại chế phẩm sinh học như chế phẩm Trichoderma, chế phẩm sinh học EM và rỉ mật đường, giúp quá trình trồng trọt hiệu quả hơn, cây phát triển tốt và ít sâu bệnh hơn.

Bình luận
Trả lời

Bài viết liên quan
Chia sẻ kỹ thuật trồng cà chua khổng lồ để quả to và nhiều
Rau củ quả / 17-09-2021

Chia sẻ kỹ thuật trồng cà chua khổng lồ để quả to và nhiều

Cà chua khổng lồ là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao đặc biệt là giàu vitamin C và A rất có...
Tổng Hợp Kiến Thức Từ A-Z Về Kỹ Thuật Trồng Cà Chua Bi Sai Trĩu Quả
Rau củ quả / 14-09-2021

Tổng Hợp Kiến Thức Từ A-Z Về Kỹ Thuật Trồng Cà Chua Bi Sai Trĩu Quả

Nhờ tiến bộ của khoa học kĩ thuật mà quả cà chua mang những đặc tính vượt trội ngày càng thu hút được thị hiếu...
Chuyên gia chia sẻ kỹ thuật trồng tre mạnh tông lấy măng cho năng suất cao
Rau củ quả / 19-08-2021

Chuyên gia chia sẻ kỹ thuật trồng tre mạnh tông lấy măng cho năng suất cao

Măng Mạnh Tông là thực phẩm rau củ đã quá quen thuộc với mâm cơm gia đình Việt. Măng không chỉ có mùi vị thơm...
Kỹ thuật trồng tre bát độ cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao
Rau củ quả / 19-08-2021

Kỹ thuật trồng tre bát độ cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao

Măng Bát Độ là giống măng ngon không đắng được thị trường ưa chuộng cả trong và ngoài nước. Loại tre này rất dễ trồng,...
images Gọi điện
images Nhắn tin
images 0 Giỏ hàng
images Chat zalo
images Facebook
Hiển thị
  • image
  • image
  • image
  • image