images

Bí quyết và kỹ thuật trồng lan Hồ Điệp trong nhà kính ra hoa to, siêu lợi nhuận

17/09/2021

Nhắc đến lan Hồ Điệp người ta thường nghĩ ngay tới một vẻ đẹp kiêu sa, quyến rũ. Loài hoa quý được coi là biểu tượng của sự may mắn, tình yêu và hạnh phúc. Từ sau khi được nhập và trồng thử nghiệm thành công ở Việt Nam trồng lan Hồ Điệp đã đem lại giá trị kinh tế cao cho nhiều người. Bên cạnh những thuận lợi thì người trồng lan cũng gặp không ít khó khăn do chưa nắm rõ được kỹ thuật chăm sóc. Nhằm chia sẻ kiến thức nông nghiệp đến bà con Lamnongtv xin được gửi đến bà con Kỹ thuật trồng lan Hồ Điệp trong nhà kính cho hoa bền đẹp, lâu tàn.

1. Giới thiệu về lan Hồ Điệp

Lan Hồ Điệp có tên khoa học là Phalaenopsis thuộc Họ lan Orchid Orchidaceae, xuất xứ từ khu vực Đông Nam Á, Philippines và Australia.

Lan Hồ Điệp là loại hoa có kích thước lớn, bền và rất đẹp, hoa có nhiều màu sắc đa dạng và phong phú như trắng, tím, vàng, đỏ.

Có hai loại lan Hồ Điệp là lan hồ điệp rừng và hồ điệp công nghiệp. Lan Hồ Điệp rừng rất hiếm thường mọc ở độ cao 200- 400m. Qua quá trình lai tạo và nhân giống, các giống lan trên thị trường hiện nay chủ yếu là lan hồ điệp công nghiệp.

Các nước nổi tiếng đi đầu về ngành công nghiệp trồng lan Hồ Điệp phải kể đến Đài Loan, Trung Quốc.

Ở nước ta trước đây chủ yếu người dân trồng hoa theo lối thụ động, không điều khiển được thời gian nở của hoa nên chỉ trồng lan dựa vào thời tiết. Nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật mà trồng lan trong nhà kính đã giúp người trồng có thể trồng quanh năm và điều khiển thời gian ra hoa đúng dịp.

Kỹ thuật trồng lan Hồ Điệp (01)

1.1 Đặc điểm nhận biết

Rễ của lan Hồ Điệp mập, phình to có màu trắng xanh, đầu rễ thường có màu vàng xanh. Khi trồng trong chậu, rễ thường sẽ mọc lan ra bên ngoài thành chậu và buông lỏng trong không khí. Phần rễ lan giúp cây quang hợp và hút nước hiệu quả.

Thân cây ngắn, sinh trưởng khá chậm. Hàng năm, từ thân chính của cây sẽ mọc ra các lá mới theo chiều thẳng đứng, thân hồ điệp có tác dụng dự trữ chất dinh dưỡng và giúp cho cây đứng thẳng,

Lá của lan Hồ Điệp mọng nước, khá to bản, dày dặn và mọc theo chiều đối xứng ôm lấy thân cây.

Cành hoa mọc ra từ nách lá, nếu đếm từ trên xuống cành hoa thường mọc từ lá thứ 4. Thông thường, giống lan hoa to rất ít phân nhánh chỉ ra một cành hoa còn lan hoa loại nhỏ thì phân nhánh nhiều.

Lan Hồ Điệp là giống lan to, có nhiều màu sắc. Hoa có 2 loại là “hoa đều đặn” và “cực kỳ đều đặn”. Hoa đều đặn tạo thành bông hoa có dáng tròn có cánh hoa to rộng, giữa các cánh hoa không có khe hở hoặc hở rất ít. Còn hoa cực kỳ đều đặn là hoa có dáng rất tròn, cánh hoa chồng khít lên nhau và không có khe hở.

Kỹ thuật trồng lan Hồ Điệp (02)

1.2 Phân loại

Người ta thường phân loại lan hồ điệp dựa vào màu sắc và kích thước hoa

– Căn cứ vào màu sắc: Lan Hồ Điệp có màu sắc rất đa dạng và phong phú bao gồm:

  • Giống hoa màu đỏ
  • Giống hoa màu sọc
  • Giống hoa màu trắng
  • Giống hoa màu đốm
  • Giống hoa vàng

Kỹ thuật trồng lan Hồ Điệp (03)

– Căn cứ vào kích thước hoa: Dựa vào đường kính bông hoa để phân loại hoa.

  • Lan Hồ Điệp lớn đường kính bông hoa 10cm.
  • Lan Hồ Điệp trung bình có đường kính 7,5-10cm.
  • Lan Hồ Điệp hoa nhỏ có đường kính <7,5 cm.

1.3 Giá trị kinh tế

Lan Hồ Điệp là loại lan có giá trị thương mại cao.

Thị trường tiêu thụ rộng lớn cả trong và ngoài nước.

Giá lan Hồ Điệp luôn ở mức cao.

Lan Hồ điệp là loài lan lâu tàn nhất có thể dùng để trang trí được trong nhà, văn phòng rất tiết kiệm chi phí.

2. Điều kiện trồng Lan Hồ Điệp

Lan Hồ điệp là loại lan yêu cầu khá khắt khe về điều kiện ngoại cảnh để sinh trưởng phát triển. Trong kỹ thuật trồng lan Hồ Điệp các yếu tố từ môi trường có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và sản lượng hoa.

2.1 Nhiệt độ

Nhiệt độ là yếu tố quan trọng hàng đầu để trồng lan Hồ Điệp.

Giai đoạn phát triển thân lá nhiệt độ thích hợp từ 28-32 độ C. Nhiệt độ cao ở mức vừa phải giúp cây tăng khả năng quang hợp đồng thời hạn chế sự ra hoa sớm của cây.

Giai đoạn xử lý phát hoa và hoa nở nhiệt độ thích hợp là từ 17-26 độ C. Nếu vượt quá 26oC có thể gây ảnh hưởng trực tiếp lên quá trình phát hoa, làm giảm số lượng hoa.

Bảng ảnh hưởng của nhiệt độ lên khoảng thời gian trung bình để hoa nở:

Nhiệt độ (oC)Thời gian từ khi phát hoa xuất hiện đến khi hoa đầu tiên nở (Ngày).
14266
17133
2087
2368
2652

2.2 Ánh sáng

Ánh sáng có vai trò trong việc quang hợp giúp cây tích lũy chất dinh dưỡng. Lan Hồ Điệp không thích hợp với ánh sáng trực tiếp, ở mỗi giai đoạn phát triển khác nhau cây cần lượng ánh sáng khác nhau vì vậy người trồng cần xây dựng nhà kính có tấm chắn để điều chỉnh lượng ánh sáng cho phù hợp.

Ở thời kỳ cây phát triển thân lá cần ánh sáng có cường độ từ 12.000- 20.000 lux. Giai đoạn cây ra hoa lượng ánh sáng cây cần là 20.000-30.000 lux. Trong điều kiện nhà kính, mùa hè có cường độ ánh sáng lớn cần che bớt đi 75-85% đến mùa thu đông chỉ cần che đi khoảng 40-50% là được.

2.3 Nước tưới

Nước đóng vai trò rất quan trọng trong trồng lan Hồ Điệp, ở mỗi mùa khác nhau nhu cầu nước của cây cũng khác nhau. Mùa xuân và mùa đông thời tiết mát mẻ lượng nước tưới và số lần tưới ít hơn so với mùa hè thu.

Ngoài ra trên mỗi loại giá thể trồng lan khác nhau lượng nước tưới cũng khá nhau.

3. Kỹ thuật trồng lan Hồ Điệp – Thiết bị trồng

Lan Hồ Điệp là loại hoa đòi hỏi nhiều yêu cầu về kỹ thuật trồng. Muốn trồng lan Hồ Điệp thành công người trồng cần trang bị cho mình những kiến thức tổng hợp để cây phát triển tốt, cho ra nhiều hoa to đẹp.

3.1 Kỹ thuật trồng lan Hồ Điệp – Thiết kế nhà trồng

Kỹ thuật trồng lan Hồ Điệp (04)

Muốn trồng lan Hồ Điệp quanh năm người trồng phải thiết kế nhà kính đáp ứng được 2 tiêu chuẩn.

Thứ nhất nhà kính trồng lan phải luôn được thông thoáng để không khí trong phòng luôn được lưu thông và có hệ thống điều chỉnh nhiệt độ. Việc này có ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây nhất là trong những ngày thời tiết khô nóng. Trong phòng có thể lắp đặt hệ thống quạt thông gió để điều chỉnh không khí.

Thứ hai nhà trồng phải được lắp đặt các tấm lưới chắn sáng để điều tiết ánh sáng gồm 2 lớp lưới. Tấm chắn ngoài có tác dụng chắn sáng và làm giảm nhiệt độ, tấm chắn trong dùng để cách nhiệt và giữ ẩm hiệu quả.

3.2  Giá thể

Lan Hồ Điệp có thể được trồng từ nhiều loại giá thể khác nhau như xơ dừa, rêu, than củi. Yêu cầu chung đối với giá thể trồng lan là các vật liệu phải tơi xốp, có khả năng giữ nước tốt.

Kỹ thuật trồng lan Hồ Điệp (05)

Trên mỗi loại giá thể khác nhau khả năng sinh trưởng phát triển của lan cũng khác nhau đặc biệt là chế độ tưới nước. Với những giá thể giữ nước tốt thì số lần tưới và lượng nước ít hơn so với các vật liệu giữ nước kém.

3.3 Chậu trồng

Trong quá trình trồng Lan Hồ Điệp cây lan sẽ được chuyển chậu trồng để có môi trường phát triển tốt nhất.

Yêu cầu đối với chậu trồng lan là chậu trong suốt, màu trắng có tác dụng hỗ trợ cho bộ rễ quang hợp. Tùy thuộc vào kích thước cây để chọn loại chậu cho phù hợp.

Cây nhỏ thì sử dụng chậu có đường kính 8,3 cm.

Cây trưởng thành dùng chậu có đường kính 12 cm.

4. Chọn giống lan

Hiện nay trên thị trường, nguồn lan giống được nhân giống vô tính bằng nuôi cấy mô tế bào là chủ yếu. Ưu điểm của phương pháp này là có hệ số nhân giống cao tạo ra được số lượng lớn cây con giống nhau và giống với cây mẹ ban đầu.

Để có được cây giống tốt người trồng cần chọn mua tại các cơ sở cung cấp giống uy tín, đảm bảo chất lượng.

Chọn giống lan là công việc quan trọng trong kỹ thuật trồng lan Hồ Điệp. Giống lan tốt sẽ cho ra hoa đẹp, bền màu cây ít bị sâu bệnh hại.

Kỹ thuật trồng lan Hồ Điệp (06)

Tiêu chuẩn chọn lan Hồ Điệp giống

Cây con khỏe mạnh, lá bóng đẹp và dày dặn.

Không bị sâu bệnh.

Bộ rễ phát triển, không bị thối hay đứt.

5. Chăm sóc lan Hồ Điệp

5.1 Ở giai đoạn sinh dưỡng

Giai đoạn sinh dưỡng là giai đoạn tiền đề trong kỹ thuật trồng lan Hồ điệp trước khi cây bước vào thời kỳ kinh doanh. Thời kỳ sinh dưỡng cây phát triển thân lá thường kéo dài khoảng 24 tháng.

Để phát triển thành cây lan trưởng thành ra hoa cây con sẽ trải qua 2 lần chuyển chậu.

– Thay chậu lần 1

Chăm sóc lan Hồ điệp con khá đơn giản. Cây giống sau khi được nhập về được đặt trong nhà kính có nhiệt độ duy trì ở 23 độ C. Giai đoạn này sức đề kháng của cây con còn yếu nên chú ý khống chế cường độ ánh sáng ở mức 5000-10000 lux. Mùa hè cần che bớt đi 80-90% ánh sáng, mùa đông từ 60-70%.  Hằng ngày kiểm tra độ ẩm của cây nếu giá thể khô bà con bổ sung nước để cây đủ ẩm.

Sau khoảng 4 – 6 tháng trồng khoảng cách giữa hai lá đạt 12cm thì tiến hành thay chậu lần 1, lúc này sử dụng chậu trồng mới có đường kính 8,3cm. Nhấc cây ra khỏi giá thể cũ rồi dùng xơ dừa hoặc rêu quấn quanh gốc cây sau đó đặt nhẹ nhàng cây vào chậu mới. Vì môi trường sống thay đổi mà rễ cây rất dễ bị sinh vật hại tấn công nên sau khi chuyển chậu xong tiến hành phun khử trùng ngay. Chú ý trong ba ngày đầu bà con ngưng tưới nước cho cây để bộ rễ hồi phục sau khoảng 7 ngày mới bắt đầu tưới nước cho cây.

Giai đoạn này sử dụng phân NPK 30-10-10 pha với liều lượng 40mg/ 1 lít nước rồi phun đều cho cây. Phun với tần suất 7 ngày/ lần để bổ sung dinh dưỡng giúp cây mau lớn.

Kỹ thuật trồng lan Hồ Điệp (07)

– Thay chậu lần 2

Thay chậu lần 2 tiến hành sau trồng từ 16-20 tháng. Cây phát triển đạt khoảng cách giữa 2 lá là 18cm thì thay chậu lần 2 có đường kính 12 cm. Thao tác kỹ thuật giống như thay ở lần 1. Yêu cầu đối với nhà trồng lúc này có nhiệt độ 28-32 độ C, độ ẩm 70-85%. Vào mùa hè che phủ bớt ánh sáng đi 60-70% mùa đông che giảm 40-50%.

Bón phân cho lan bà con sử dụng phân NPK 20-20-20 phun định kỳ 7 ngày 1 lần vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

– Nước tưới: Mùa hè nhiệt độ không khí cao nước dễ bốc hơi nên tưới 1-2 lần/ ngày tùy thuộc vào độ ẩm của giá thể. Mùa đông 2-3 ngày tưới 1 lần.

Kỹ thuật trồng lan Hồ Điệp (08)

5.2 Giai đoạn ra hoa

Cây lan Hồ điệp trưởng thành có đủ 4 lá trở nên mới có khả năng phân hóa mầm hoa. Đây là giai đoạn quan trọng trong kỹ thuật trồng lan Hồ điệp, xử lý đúng kỹ thuật lan sẽ bật mầm ra hoa và ngược lại.

Quá trình xử lý lạnh để ức chế cây ra hoa được tiến hành như sau

Trước tiên bà con hạ nhiệt độ môi trường xuống 26 độ C trong thời gian ngắn, sau đó hạ nhiệt độ xuống thấp hơn trong khoảng 17-25  độ C nhằm kích thích các chồi hoa phát triển. Khi lan đã ra được một số nụ nhất định tiếp tục giảm nhiệt độ xuống còn 20 độ C để kéo dài thời gian nở của những hoa bên dưới đồng thời kích thích các hoa bên trên phát triển trong cùng một khoảng thời gian ngắn. Thời gian từ khi xử lý lạnh đến khi ra hoa là khoảng 110-120 ngày.

Khi thấy cây nhú hoa dùng phân NPK 6-30- 30 phun 7 ngày/ lần với liều lượng 2g/ lít để hoa mập, sắc hoa đẹp hơn.

Trước khi xuất bán 1-2 tháng đưa cây ra nơi thoáng mát, duy trì nhiệt độ 20-25 độ C, ánh sáng yếu để cây làm quen với môi trường và giữ được sắc hoa bền.

Kỹ thuật trồng lan Hồ Điệp (09)

6. Phòng trừ sâu bệnh hại lan Hồ Điệp

Lan là loại hoa khó tính đòi hỏi nhiều kỹ thuật chăm sóc nhưng giá trị kinh tế đem lại rất xứng đáng. Tuy nhiên trong quá trình sinh trưởng cây thường bị sâu bệnh hại tấn công gây ảnh hưởng không nhỏ làm giảm năng suất cũng như chất lượng hoa. Chính vì vậy mà người trồng ngoài áp dụng đúng kỹ thuật trồng lan Hồ Điệp còn phải trang bị cho mình những kiến thức tổng hợp về phòng trừ sâu bệnh hại.

Trong quá trình trồng lan hồ điệp thường gặp phải một số sâu bệnh như

6.1 Rệp son hại lan

Rệp có màu vỏ màu nâu, loài này có khả năng sinh sản và gây hại rất lớn. chúng thường bám vào lá cây để hút nhựa và thải ra chất độc, chất độc của chúng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây.

Phòng trừ rệp bằng cách bắt bằng tay khi số lượng ít, khi mức độ gây hại lớn dùng các loại thuốc như Regent, Lannate, supracide để phun 1 lần/tuần.

6.2  Bệnh thối đen

Bệnh do một loại nấm gây ra, bệnh thường gây hại nặng khi độ ẩm môi trường quá cao hoặc tưới nước quá nhiều. Bệnh gây hại trên các bộ phận của cây nhất là phần ngọn. Ban đầu bệnh phát sinh ở chồi non làm chồi bị thối chuyển dần thành màu nâu sau đó nhũn ra đầy nước.

Kỹ thuật trồng lan Hồ Điệp (10)

Phòng trừ bệnh: Nếu cây con nhiễm  bệnh tiến hàng loại bỏ cây bị bệnh ra khỏi khu vực trồng đồng thời nhúng các cây vào dung dịch trừ nấm bệnh. Ở cây trưởng thành thì cắt bỏ phần bị thối và dùng các thuốc diệt nấm như để phun : Kasumin, Topsin, CuzateM8, Score,super Tilt.

6.3  Bệnh đốm vòng

Gây hại trên phần lá cây, vết bệnh ban đầu xuất hiện là các chấm tròn màu nâu đỏ sau đó lan rộng thành các đường tròn đồng tâm, vết bệnh dần kho cháy. Nếu gặp điều kiện môi trường quá ẩm lá cây sẽ bị thối ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây.

Phòng trừ bệnh: Với lá cây bị bệnh dùng dao rạch cắt bỏ lá bị bệnh và sử dụng các loại thuốc để phun như : Mancozeb, Dithane, Vicarben.

>> Xem thêm: Kỹ thuật trồng cà gai leo

Những chia sẻ kiến thức về kỹ thuật trồng lan Hồ Điệp mà chúng tôi tổng hợp trên đây hy vọng sẽ giúp cho người trồng lan cũng như những người có ý định trồng lan Hồ Điệp có thêm được những thông tin bổ ích hơn từ đó sẽ áp dụng trồng lan cho hiệu quả kinh tế cao nhất.

Bình luận
Trả lời

images Gọi điện
images Nhắn tin
images 0 Giỏ hàng
images Chat zalo
images Facebook
Hiển thị
  • image
  • image
  • image
  • image