Trọn bộ kỹ thuật trồng cây mắc ca trĩu quả cho thu nhập khủng
Mắc ca là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, quả mắc ca là thực phẩm giàu hàm lượng dinh dưỡng và rất được ưa chuộng trên thị trường. Trong quả mắc ca hàm lượng dầu chứa tới 78%, được dùng nhiều trong các loại mỹ phẩm. Nhiều mô hình trồng cây mắc ca thành công đang được bà con áp dụng và triển khai rất hiệu quả. Tuy nhiên với nhiều bà con thì trồng mắc ca còn khá mới mẻ. Để giúp bà con có kiến thức trồng cây mắc ca cho hiệu quả cao lamnong.tv xin gửi trọn bộ kỹ thuật trồng cây mắc ca trĩu quả để bà con tham khảo.
1. Đặc điểm cây mắc ca
1.1 Nguồn gốc mắc ca từ đâu?
Theo tài liệu nghiên cứu cây mắc ca được tìm thấy từ các khu rừng rậm cận nhiệt đới tại châu Úc. Sau khi được đưa vào trồng trọt thành công cây mắc ca được xem là một trong những cây nông nghiệp trẻ nhất trong lịch sử.
Mắc ca là loại cây duy nhất có nguồn gốc từ châu Úc được trồng tại các nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa như Việt Nam.
Cây mắc ca còn được gọi là cây quả cứng Hawaii, có tên khoa học là macadamia, thuộc họ Proteaceae. Mắc ca được nhập vào Việt Nam và trồng thử nghiệm tại Ba và sau đó là ở các tỉnh như Lâm Đồng, Đắc Lắc.
1.2 Đặc điểm hình thái
Quả Mắc ca có hai loại là mắc ca vỏ hạt nhám và vỏ hạt nhẵn.
Cây mắc ca là loại cây gỗ lớn, có tán rộng tới 15m và bộ rễ cọc kém phát triển. Hoa mắc ca có màu hồng hay trắng, mọc ra từ nách lá cành 1-2 năm tuổi. Mỗi chùm hoa mắc ca dài từ 15- 25cm, và thường chỉ đậu từ 5-15 quả. Lá mắc ca có hai loại là lá mép nguyên và lá mép răng cưa. Quả mắc ca hình tròn hay trái đào khi non có màu xanh và khi già chuyển sang màu nâu. Vỏ hạt mắc ca khi chín có màu nâu rất cứng, vỏ khô tự nứt ra để lộ nhân hạt có màu trắng sữa.
1.3 Giá trị và công dụng từ quả mắc ca
Thành phần dinh dưỡng từ hạt mắc ca khá cao đặc biệt là hàm lượng dầu chiếm tới 78%, trong đó hàm lượng protein là 9,2%, 87% là axit béo không no cùng nhiều loại axit amin bổ dưỡng cho cơ thể.
Hạt mắc ca là sản phẩm rất được ưa chuộng trên thị trường châu Âu. Không chỉ nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon mà hạt mắc ca còn có nhiều tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe con người như bảo vệ và tăng cường sức khỏe tim mạch, làm giảm cholesterol xấu trong cơ thể, tốt cho người bị tiểu đường, ăn kiêng, làm đẹp hiệu quả…
Giá hạt mắc ca khô trên thị trường ở mức cao dao động từ 320- 380.000 vnđ/ kg.
2. Điều kiện trồng cây mắc ca
Các yếu tố của môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây mắc ca.
2.1 Nhiệt độ, lượng mưa
Mắc ca có khả năng chịu lạnh tương đối tốt, ở giai đoạn ra hoa yêu cầu nhiệt độ ban đêm ở mức 18- 20 độ C giúp phân hóa mầm hoa từ đó giúp cây ra nhiều hoa.
Lượng mưa trung bình từ 1500- 2500mm.
2.2 Đất trồng
Trồng mắc ca trên đất có độ dốc nhỏ hơn 15 độ như vậy sẽ dễ dàng để chăm sóc và thu hái. Mắc ca thích hợp trên các loại đất tơi xốp, có khả năng thoát nước tốt, tầng canh tác khoảng 1m. Không nên trồng cây mắc ca trên những loại đất bí chặt, khó thoát nước.
Rễ cây mắc ca là rễ cọc ăn nông vì vậy nên chọn vùng trồng có ít gió bão. Có thể trồng xen mắc ca với 2-3 hàng cây chắn bão.
2.3 Thời vụ trồng mắc ca
Bà con nên chuẩn bị đất trồng cây mắc ca từ tháng 2-3 sau đó trồng mắc ca thích hợp nhất là vào đầu mùa mưa khoảng tháng 5-6.
3. Kỹ thuật trồng cây mắc ca
3.1 Giống mắc ca
Ở nước ta, hiện tại đã chọn tạo ra được 23 giống mắc ca tốt từ các nước như Úc (13 giống), Trung Quốc (5 giống) và Thái Lan (5 giống).
Vì mắc ca là cây trồng lâu năm mới cho thu hoạch nên để đảm bảo chất lượng cây giống thì bà con nên chọn các cơ sở nghiên cứu hoặc các trang trại cung cấp giống có uy tín để mua.
Chọn giống là khâu quan trọng trong kỹ thuật trồng cây mắc ca. Mắc ca là cây thụ phấn chéo nên bà con lựa chọn cây ghép để trồng. Cây giống phải khỏe mạnh, không bị sâu bệnh hại, chiều cao cây từ 60cm đến 1m, các chồi ghép mọc cao 25- 30 cm và đã liền vết sẹo ghép.
3.2 Mật độ trồng
Mật độ trồng mắc ca sẽ thay đổi theo phương thức trồng.
Nếu trồng thuần dựa vào giống cây và đất đai mà bà con quyết định mật độ và khoảng cách trồng cho thích hợp. Mật độ thông thường từ 200- 300 cây/ha, khoảng cách trồng tương đối là 9mx5m
Đối với kỹ thuật trồng xen mắc ca với các cây công nghiệp như cà phê, chè thì thay đổi theo mật độ của loại cây trồng xen. Mật độ thích hợp để trồng xen là 70 cây/ ha, khoảng cách là 12m x 12m.
3.3 Đào hố, bón lót
Đào hố có kích thước 50x50x50cm, bà con chú ý khi đào để riêng lớp đất mặt một bên và lớp đất đáy một bên. Sau khi đào hố xong tiến hành bón lót cho hố trồng. Lượng phân bón lót bao gồm 10kg phân chuồng hoai mục, 0,5 kg vôi bột rồi trộn đều sau đó gạt lớp đất mặt xuống trước và trộn đều với phân trong hố, tiếp tục gạt lớp đất đáy lên trên cho đầy hố. Hố trồng cần chuẩn bị trước khi trồng cây 1 tháng.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của phân bón bà con có thể ủ phân hữu cơ, phân chuồng kết hợp với chế phẩm Trichoderma hoặc chế phẩm sinh học EM. Quá trình ủ sẽ làm gia tăng dưỡng chất cần thiết, cân đối thành phần dinh dưỡng để cây trồng dễ hấp thụ, giúp cây phòng tránh sâu bệnh, nâng cao năng suất đồng thời cải tạo chất lượng đất rất tốt. Thông tin chi tiết về sản phẩm mời bà con tham khảo tại:
3.4 Cách trồng cây mắc ca
Mắc ca là cây giao phấn chéo để trồng cây mắc ca đạt năng suất cao bà con nên trồng phối hợp các dòng khác nhau. Có thể trồng liên tiếp 3 dòng khác nhau rồi tiếp tục trồng lặp lại như vậy.
Sau khi đã chọn được giống cây khoẻ mạnh, chuẩn bị hố trồng tốt bà con tiến hành trồng cây mắc ca theo các bước sau:
- Trước khi trồng trộn phân và đất trong hố đã chuẩn bị 1 lần nữa cho đều, sau đó đào 1 hố nhỏ ở chính giữa hố to có chiều rộng 15 – 20cm, chiều sâu 25-30 cm.
- Dùng tay bóp chặt vào bầu đất để đất bám chặt vào rễ tạo thành 1 khối chắc, không bị vỡ khi xé bầu.
- Dùng dao cắt đáy bầu đất rồi rạch thêm một đường từ dưới đáy bầu lên trên ½ túi bầu. Tiến hành kiểm tra phần rễ của cây giống xem có đạt tiêu chuẩn cây giống hay không. Nếu bộ rễ không khỏe hay sâu bệnh cần đổi cây khác.
- Đặt cây đứng thẳng vào giữa hố rồi vừa lấp đất vừa rút túi bầu lên. Chú ý không nên chèn đất quá chặt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây con.
- Sau đó dùng một cây cọc cắm chéo 60 độ so với mặt đất gần với cây rồi buộc cố định cây vào cọc để giữ cây.
- Tưới nước cho cây sau khi trồng.
4. Kỹ thuật chăm sóc cây mắc ca sau khi trồng
Thời kỳ chăm sóc cây con này khá quan trọng trong kỹ thuật trồng cây mắc ca. Cây con mới trồng cần thời gian thích nghi với điều kiện môi trường. Chăm sóc cây đúng kỹ thuật cây sẽ giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, đạt tỷ lệ sống cao, ít sâu bệnh hại.
Sau khi trồng cây 20-30 ngày bà con tiến hành kiểm tra toàn bộ diện tích trồng nếu phát hiện cây bị chết thì trồng dặm bổ sung và chỉnh sửa để cây mọc ngay ngắn.
Khoảng 40 ngày sau khi trồng tiến hành làm cỏ kết hợp xới xáo đất xung quanh gốc cây. Lưu ý chăm sóc cách xa gốc cây khoảng 1m. Lần chăm sóc thứ 2 cách lần 1 khoảng 45 ngày với kỹ thuật tương tự.
5.Kỹ thuật trồng cây mắc ca – Bón phân
Phân bón đóng vai trò quyết định đến năng suất và chất lượng cây mắc ca. Nguồn dinh dưỡng từ phân bón sẽ được cây hấp thụ và chuyển hóa thành dinh dưỡng nuôi cây.
Cây mắc ca bắt đầu cho thu hoạch quả từ năm thứ 4. Vì vậy kỹ thuật bón phân cho cây có thể chia làm 2 giai đoạn chính như sau:
5.1 Giai đoạn trước khi cây ra hoa:
+ Năm thứ nhất: Bón lần 1 bà con dùng lượng phân bón gồm NPK 16-16-8-13S 100gram/gốc bón vào rãnh quanh gốc cây, rãnh sâu khoảng 5-10cm và bón cách gốc 25-30cm. Sau khi bón xong tiến hành lấp đất lại. Bón thúc lần 2 cho cây cách lần 1 từ 40 – 50 ngày .
+ Năm thứ hai và thứ ba: Mỗi năm bón phân làm 2 lần vào đầu và gần cuối mùa mưa. Mỗi lần bón 120gram/gốc NPK 16-16-8-13S vào rãnh quanh gốc cây chú ý bón cách gốc 30-40m, bón sâu khoảng 5-10cm rồi lấp đất lại.
5.2 Giai đoạn khi cây ra hoa, đậu quả:
Đây là giai đoạn quyết định đến năng suất quả mắc ca. Một năm chia làm 3 lần bón là trước khi cây ra hoa, cây đang ra quả và sau khi thu hoạch. Bà con xới đất thành rãnh sâu 10-15cm, rộng khoảng 20cm rồi bón khoảng 10-15 kg phân chuồng hoai mục vào và lấp đất lại. Bón phân theo độ rộng của tán cây, lượng phân bón sẽ tăng dần theo năm.
Bà con hãy kết hợp việc ủ phân với chế phẩm sinh học Trichoderma, EM để nâng cao hiệu quả phân bón và tiết kiệm chi phí đầu tư. Phân sau khi ủ sẽ giúp cây mắc ca dễ hấp thu hơn, bổ sung và cân bằng dinh dưỡng cho cây từ đó giúp cây tăng năng suất và chất lượng quả mắc ca.
Ngoài ra vào mỗi năm bà con nên bổ sung chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma để bón vào phần gốc rễ của cây. Nấm có ích trong chế phẩm có tác dụng tiêu diệt các loại nấm hại vùng gốc rễ của cây giúp cây có bộ rễ khỏe, chống chịu tốt đồng thời gia tăng các vi sinh vật có lợi và cải tạo đất trồng rất hiệu quả. Bà con có thể tham khảo sản phẩm tại
6. Kỹ thuật trồng cây mắc ca – Tỉa cành, tạo tán
Hàng năm, sau mỗi đợt thu hoạch quả bà con cần tiến hành tỉa cành tạo tán cho cây để loại bỏ các cành sâu bệnh, cành yếu, đảm bảo độ thông thoáng cho tán cây từ đó giảm thiểu sâu bệnh hại.
7. Kỹ thuật trồng cây mắc ca xen với cây ngắn ngày
Trong những năm đầu, cây mắc ca còn nhỏ cây chưa khép tán nên có thể trồng xen với các loại cây khác như cây hoa màu, các cây họ đậu…Việc trồng xen này vừa giúp tăng thu nhập cho bà con vừa hạn chế cỏ dại và giữ ẩm cho đất. Cây trồng xen nên cách xa gốc mắc ca khoảng 1m để không làm ảnh hưởng đến cây trồng chính.
8. Kỹ thuật trồng cây mắc ca – Phòng trừ sâu bệnh hại
Trong quá trình sinh trưởng và phát triển cây mắc ca thường bị các loại sâu bệnh hại tấn công. Bà con chăm vườn cần thường xuyên theo dõi để phát hiện kịp thời từ đó phòng trừ bệnh hiệu quả hơn.
8.1 Bệnh hoa
Bệnh này xuất hiện với triệu chứng đầu tiên là một số đốm màu vàng tối trên đài hoa, sau đó cả hoa bị khô héo, hoa bị khô rồi rụng. Trong điều kiện mưa ẩm kéo dài những hoa bị nhiễm bệnh sẽ chuyển sang màu nâu xám đến màu đen.
Để phòng tránh bệnh này người trồng không nên trồng cây với mật độ quá dày và thường xuyên tỉa tán cây để tạo độ thông thoáng cho vườn. Bệnh này nên được phát hiện và phun thuốc sớm mới có hiệu quả. Có thể dùng các loại thuốc có hoạt chất Benomyl, Carbendazim, Thiophanate-methyl để phun.
8.2 Bệnh vỏ quả có nốt
Bệnh này do vi khuẩn gây ra làm ảnh hưởng đến phần vỏ quả mắc ca với triệu chứng xuất hiện là các nốt màu vàng nhạt rồi chuyển màu dần sang nâu đen khi bệnh trở nặng.
Cách phòng trị: Dùng Cupric Hydroxide Cu(OH)2 77% pha loãng 300 – 800 lần rồi phun lên toàn bộ quả, mỗi tháng phun cho cây 1 lần liên tục trong vòng ba tháng.
8.3 Bệnh hại thân cây
Bệnh do vi khuẩn gây ra, hại chủ yếu ở thân và cành cây. Bệnh lây lan qua các vết thương cơ giới trong quá trình chăm sóc cây. Khi nhiễm bệnh thì lá, cành bị héo rồi khô lại dần dần chết cả cây.
Để phòng trị:Dùng sơn trắng trộn với Cupric Hydroxide Cu(OH)2 (30% hydroxit đồng 100gr/lít) sơn vào phần gốc cây, nếu cây đã bị nhiễm bệnh dùng hỗn hợp Metalaxyl nồng độ 0,4% và Thiophanate-methyl nồng độ 0,2% với sơn trắng phết vào chỗ bị bệnh mỗi tuần một lần.
8.4 Côn trùng
Giai đoạn cây ra hoa đậu quả thường bị các loài côn trùng chích hút. Chúng gây ra các vết thâm trên quả và làm nứt quả mắc ca ảnh hưởng đến chất lượng quả. Vì vậy cần phun định kỳ vào những lúc cây không ra hoa để diệt trừ các loại côn trùng gây hại.
9. Kỹ thuật trồng cây mắc ca – Thu hoạch quả mắc ca
Cây mắc ca cho thu hoạch sau 3-4 năm trồng. Khi chín vỏ quả mắc ca có màu nâu, vỏ quả khô có thể tự nứt ra. Có thể thu hoạch hạt khi hạt rụng xuống đất hoặc hái quả từ trên cây xuống để bóc. Quả mắc ca sau khi thu hoạch cần bóc vỏ ngay trong 24 giờ rồi sấy khô để bảo quản được lâu hơn.
Trên đây là trọn bộ kỹ thuật trồng cây mắc ca cho hiệu quả cao mà lamnong.tv muốn gửi tới bà con. Hy vọng những chia sẻ này có thể giúp bà con có những mô hình trồng mắc ca thành công nhất.