Hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng chè cho nhiều búp, năng suất cao
Từ lâu chè đã được biết đến là một loại thực phẩm dùng để pha nước uống được nhiều người ưa chuộng. Không chỉ có tác dụng giải nhiệt mà lá chè xanh còn mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người. Chè là trong những cây công nghiệp quan trọng có ý nghĩa rất lớn đối với bà con nông dân vùng trung du và miền núi trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Để giúp bà con có kiến thức tổng hợp hơn về cách trồng chè chúng tôi xin gửi đến bộ kỹ thuật trồng chè đầy đủ để bà con tham khảo.
1. Tổng quan về cây chè
Cây chè có tên khoa học là Camellia Sinensis.
Ở nước ta chè được trồng chủ yếu ở vùng trung du và đồi núi, nơi có nhiệt độ cao và lượng mưa lớn.
Chè là một cây trồng lâu năm, cho thời gian thu hoạch kéo dài 30- 40 năm.
Giá trị kinh tế của cây chè là búp và lá non, phần sản phẩm này được chế biến để cung cấp cho thị trường.
1.1 Đặc điểm hình thái
Chè là loại cây phân cành nhánh nhiều, lá chè mọc cách có chiều dài từ 4 – 15cm, rộng 2-5 cm. Mép lá hình răng cưa, đuôi lá nhọn. Lá non có màu xanh lục nhạt, mặt dưới phủ lông tơ ngắn chứa khoảng 4% cafein được dùng để sản xuất trà. Khi già lá chè chuyển sang màu xanh lục thẫm.
Hoa chè có màu trắng ánh vàng, gồm 7-8 cánh hoa xếp lại, đường kính hoa từ 2,5- 4cm. Quả chè là dạng quả nang có vỏ hóa gỗ cứng, quả có từ 2-4 hạt. Quả thường chín vào dịp tháng 10-1 năm sau, hạt của cây chè có chứa tinh dầu.
1.2 Trồng chè đem lại lợi ích gì?
Công dụng
Lá chè được xem là loại dược liệu dùng để pha trà uống. Không chỉ có tác dụng giải nhiệt mà trà xanh còn chứa nhiều thành phần có lợi đối sức khỏe con người. Một số chất chống oxy hóa và hợp chất có lợi được tìm thấy trong trà xanh bao gồm polyphenol, catechin và các loại flavonoid khác. Các thành phần này có tác dụng chống lão hóa hiệu quả. Uống trà còn giúp đào thải độc tố, giảm xơ vữa động mạch và nguy cơ mắc bệnh tim, hạ đường huyết, cải thiện trí nhớ và ngăn ngừa ung thư.
Giá trị kinh tế
Lá chè có thể dùng tươi hoặc sấy khô.
Cây chè có thời gian thu hoạch rất dài.
Chè là cây công nghiệp thích hợp với vùng đồi núi giúp bà con xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế rất hiệu quả.
Thị trường tiêu thụ rộng lớn.
Giá lá chè tươi và khô trên thị trường luôn ở mức ổn định.
2. Điều kiện trồng chè
Ngoài yếu tố dinh dưỡng thì trong kỹ thuật trồng chè các yếu tố môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây chè.
2.1 Nhiệt độ
Nhiệt độ đóng vai trò quan trọng đến sự phát động, hình thành của búp chè từ đó có ảnh hưởng đến thời vụ thu hoạch và năng suất đồi chè.
Mỗi một giống chè khác nhau lại yêu cầu một phạm vi nhiệt độ nhất định để sinh trưởng phát triển. Tổng lượng tích ôn trong một năm để cây chè sinh trưởng là 3500- 4000 độ C. Để cây chè sinh trưởng phát triển bình thường thì nhiệt độ trung bình năm phải đạt mức là 12,5 độ C. Nhiệt độ thích hợp để chè bật búp là 13 – 14 độ C.
Nếu nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao đều ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây chè, làm giảm khả năng tích lũy hàm lượng tanin trong búp chè từ đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
2.2 Độ ẩm và lượng mưa
Chè là cây ưa ẩm, sản phẩm thu hoạch là búp và lá non nên độ ẩm và lượng mưa ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng chè.
Độ ẩm đất thích hợp để trồng chè là 80 – 85% và độ ẩm không khí ở mức 75 – 80% hoặc > 80%.
Yêu cầu về lượng mưa của cây chè:tổng lượng mưa hàng năm đạt từ 1500- 2000mm.
2.3 Đất đai
Cây chè thích hợp trồng trên địa hình đồi núi thấp và trung du. Đất trồng chè cần tơi xốp, nhiều mùn thoát nước tốt, tầng đất canh tác trên 1m. Độ pH của đất thích hợp 4.5- 6, có mạch nước ngầm ở dưới mặt đất 100cm.
2.4 Ánh sáng
Cây chè rất cần ánh sáng để quang hợp. Tuy nhiên yêu cầu về ánh sáng của cây chè sẽ thay đổi theo giống và tuổi của cây.
Giống chè lá to lại yêu cầu ánh sáng thấp hơn chè lá nhỏ, cây chè nhỏ lại cần ít ánh sáng hơn cây chè to.
3. Kỹ thuật trồng chè – Chọn giống và thời vụ trồng
3.1 Chọn giống
Muốn trồng cây chè thành công cho năng suất và phẩm chất cao bà con cần áp dụng đúng kỹ thuật trồng trọt từ các khâu chọn giống, thời vụ, đất trồng, đến chăm bón và phòng bệnh cho cây.
Hiện nay chè được nhân giống chủ yếu bằng hai phương pháp:nhân giống bằng hạt và nhân giống bằng giâm cành. Cả hai phương pháp đều sử dụng nguồn giống ban đầu được chọn lọc kỹ càng đạt tiêu chuẩn nhân giống để đảm bảo chất lượng cây con.
Muốn cây chè phát triển tốt, cho chất lượng chè ngon, thời gian thu hái lâu thì bà con phải chọn giống chè tốt. Đây là khâu quan trọng trong kỹ thuật trồng chè. Một giống chè tốt cần đảm bảo các tiêu chuẩn sau:
- Cây khỏe mạnh phát triển tốt, khả năng phân cành mạnh, cho nhiều búp và tỉ lệ búp mù thấp.
- Cây có khả năng chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh, kháng sâu bệnh tốt.
- Có chứa hàm lượng tanin cao, màu sắc và hương vị chè tốt.
- Năng suất cao, ổn định.
3.2 Thời vụ
Chọn thời vụ trồng chè rất quan trọng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây chè. Tùy thuộc vào khí hậu vùng trồng mà lựa chọn thời điểm trồng phù hợp.
Ở các tỉnh vùng Đông – Tây Bắc và Bắc Trung Bộ thời điểm trồng thích hợp nhất là trong tháng 9 còn đối với vùng cao Tây Nguyên nên trồng chè tốt nhất là trong tháng 6.
4. Mật độ và cách trồng chè
4.1 Mật độ
Để cây chè sinh trưởng tốt cần đảm bảo mật độ trồng thích hợp.
Đối với đất tốt mật độ phù hợp là từ 16.000 cây – 18.000 cây/ha, 25.000 cây/ha đối với đất xấu.
4.2 Chuẩn bị đất
Đất trồng chè cần được san bằng phẳng, dọn sạch cỏ dại, cày sâu khoảng 30- 40cm để đất tơi xốp. 2-3 tháng trước khi trồng chè bà con có thể trồng các cây để cải tạo đất, phủ đất như các cây họ đậu, cốt khí để làm giàu dinh dưỡng cho đất. Trước khi trồng chè khoảng 1 tháng cắt toàn bộ cây xuống rồi vùi vào rãnh giữa hai hàng chè để làm phân bón.
Tùy thuộc vào địa hình mà bà con có thể thiết kế đồi chè cho phù hợp. Ở những nơi địa hình có độ dốc bình quân < 8 độ bà con thiết kế hàng chè thẳng và song song theo hàng dài nhất, hàng cụt bố trí ở phía rìa ô. Nơi có độ dốc bình quân > 8 độ, thiết kế hàng chè theo hàng đồng mức, hàng cụt bố trí xen kẽ và tập trung thành hàng đôi.
4.3 Kỹ thuật trồng cây
Đào các rãnh có kích thước 40x40m và khoảng cách các rãnh là 1,3 m để trồng chè.
Khoảng cách trồng:Hàng cách hàng 1,3 – 1,35m, cây cách cây 0,35 – 0,4m
Dùng phân hữu cơ hoai mục(20-30 tấn/ ha)kếp hợp với phân lân(100- 150 kg/ha)trộn đều với nhau rồi rải đều lên các rạch đã đào sau đó phủ kín đất tơi xốp lên trên cách mặt đất 5 – 10cm.
Trên hàng chè đã bón lót, cuốc hố sâu 20 – 25cm, đặt bầu cây giống vào hố theo chiều xuôi gió rồi lấp đất và nén chặt xuống. Sau đó dùng rơm rạ phủ quanh gốc để giữ ẩm cho gốc.
Để quá trình ủ phân hữu cơ đạt hiệu quả bà con có thể sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma, EM để ủ phân. Phân được ủ bằng chế phẩm sẽ được cân bằng dinh dưỡng thiết yếu để cây trồng dễ hấp thu, nâng cao năng suất đồng thời có tác dụng cải tạo đất rất tốt. Bà con quan tâm truy cập vào
Chè là cây ưa ánh sáng tán xạ nên trong đồi chè, bà con cần trồng nhiều cây bóng mát. Cứ 6- 8 hàng chè thì lại trồng 1 hàng cây bóng mát với mật độ từ 150-200 cây/ ha, có thể trồng các cây muồng lá nhọn, muồng hoa vàng.
5. Kỹ thuật trồng chè – Chăm sóc cho cây chè
Chè là cây cho thu hoạch lâu năm nên nếu chăm sóc chè đúng kỹ thuật có thể cho thời gian thu hái kéo dài 30- 40 năm.
5.1 Thời kỳ kiến thiết cơ bản
Đây là thời kỳ 2-3 năm sau trồng, giai đoạn này cây còn nhỏ bà con chú ý áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc sẽ tạo tiền đề cho đồi chè ở giai đoạn thu hái đạt năng suất cao nhất.
Trồng dặm
Sau khoảng 1- 2 tháng trồng, bà con tiến hành kiểm tra toàn bộ diện tích trồng chè. Khi phát hiện cây chết tiến hành trồng dặm lại để đảm bảo mật độ trồng
Kỹ thuật đốn tạo hình
Khi đồi chè có khoảng 70% số cây cao từ 65 – 70cm, đường kính gốc > 1cm bà con tiến hành đốn tạo hình. Thời vụ đốn thích hợp là từ tháng 12- 1 năm sau.
Chia làm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 khi cây chè được 2 tuổi, đốn thân chính cách mặt đất 20 – 25cm, đốn các cành bên 35 – 40cm.
- Giai đoạn 2 khi cây chè 3 tuổi, đốn cách mặt đất 30 – 35cm.
Kỹ thuật hái tạo hình
Đối với những cây chè được 1 năm tuổi bà con tiến hành hái bấm ngọn vào tháng 10, chọn những cây cao từ 60cm trở lên để bấm như vậy cây chè sẽ sinh trưởng, phát triển theo bề ngang.
– Bón phân:Lượng phân bón gồm 20- 30 tấn phân hữu cơ, 500kg supe lân/ ha / năm.
Cách bón:Phân được trộn đều rồi bón sâu 6- 8cm, cách gốc 30cm sau đó lấp kín lại.
5.2. Thời kỳ kinh doanh
– Tưới nước cho chè: Chè là cây cho thu hoach búp và lá non nên đối với cây chè thì độ ẩm là nhân tố quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Cây chè cần được bổ sung tước nước thường xuyên đảm bảo độ ẩm đất để cây sinh trưởng tốt.
– Làm cỏ cho chè 2 lần/ năm tạo điều kiện cho cây chè phát triển, hạn chế sâu bệnh hại.
– Bón phân: thời kỳ này tùy thuộc vào nhu cầu sinh trưởng của cây mà bà con sử dụng lượng phân bón hợp lý và cân đối. Nên sử dụng các loại phân hữu cơ hoai mục, phân hữu cơ sinh học, phân vi sinh để bón cho cây. Không dùng phân tươi để bón cho cây chè.
6. Kỹ thuật trồng chè – Phòng trừ sâu bệnh
Trên chè có một số loại sâu bệnh gây hại làm cây sinh trưởng phát triển kém, giảm năng suất chất lượng chè. Bà con nên thường xuyên kiểm tra đồi chè kịp thời phát hiện và phòng trừ để đạt hiệu quả cao nhất.
6.1 Một số loại côn trùng gây hại trên chè
- Rầy xanh hút nhựa trên búp non làm búp bị khô héo và chết.
- Bọ xít muỗi: chúng dùng vòi hút làm búp chè bị cong và thui đen.
- Bọ cánh tơ: bám và chích hút dinh dưỡng trên mặt lá non.
Cách phòng trừ: vệ sinh đồi chè, dọn sạch cỏ dại tránh tạo nơi ẩn nấp cho sâu hại, nuôi các loại thiên địch như ong, kiến, nhện để diệt trừ và loại bỏ trứng của chúng
6.2 Các loài nhện hại chè
Nhện nâu đỏ: gây hại bằng cách hút nhựa trên lá già và lá bánh tẻ. Lá bị hại có mặt trên màu nâu đỏ và chấm trắng. Lá ngừng sinh trưởng, chết và rụng xuống. Nhện thường gây hại vào các tháng 2- 5 và 9- 11.
Nhện đỏ tươi: xuất hiện và gây hại từ tháng 8 – 12. Nhện hại mặt dưới lá và cuống lá, gây ra các đốm trắng trên lá.
Cách phòng trừ: Trồng cây bóng mát, sử dụng các loại thuốc hóa học diệt trừ chuyên dụng.
Một số loại bệnh hại chè
Bệnh phồng lá chè: Do nấm gây ra, tạo thành các vết phồng chết khô trên lá, để phòng trừ sử dụng các thuốc có gốc đồng Cu để phun sau hái lá.
Bệnh thối búp chè: thường bị khi thời tiết nóng ẩm, búp chè bị hại chuyển dần sang màu đen rồi thối dần.
Cách phòng trừ: sử dụng thuốc gốc đồng Cu, tăng lượng phân kali, thu hoach nhanh.
Bệnh đốm nâu ở chè: do nấm gây hại, vết bệnh là các vòng tròn đồng tâm màu nâu đen lan dần theo hình gợn sóng
Sử dụng các loại thuốc các loại thuốc gốc Cu, phun trước ngày thu hoạch 1 tuần.
7. Kỹ thuật trồng chè – hái chè.
Hái chè là công việc trong kỹ thuật trồng chè. Hái đúng kỹ thuật sẽ tạo điều kiện cho cây chè phát triển khỏe mạnh và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm Trong kỹ thuật hái gồm 2 khâu là kỹ thuật chừa và kỹ thuật hái búp.
Đối với kỹ thuật chừa gồm chừa theo thời vụ và chừa theo tình trạng sinh trưởng của đồi chè. Với những đồi chè sinh trưởng tốt thì chừa lại ít hơn đồi chè phát triển kém. Chè đốn thấp chừa nhiều hơn chè đốn cao.
Kỹ thuật thu búp: Dựa vào yêu cầu chế biến mà có các hình thức thu hái búp khác nhau. Có thể hái 1 tôm + 1 lá, hái 1 tôm + 1,2 lá, hái 1 tôm + 2 lá, hái 1 tôm + 2,3 lá, hái chè già.
Trên đây là những chia sẻ đầy đủ về kỹ thuật trồng chè cho năng suất thu hoạch cao. Bà con quan tâm có thể tham khảo để áp dụng cho đồi chè của gia đình mình. Chúc bà con có những vụ thu hái chè thành công.