Kỹ thuật nuôi nhím lấy thịt thành công từ A – Z thu lãi lớn
Nuôi nhím đang là một nghề tương đối mới và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ ở nước ta. Nhím rất dễ nuôi sức đề kháng cao mà giá trị thương phẩm lại được ưa chuộng. Để giúp bà con có kỹ thuật nuôi nhím thịt hiệu quả cao, giảm thiểu rủi ro, lamnong.tv đã nghiên cứu, tổng hợp và gửi đến bà con trọn bộ kỹ thuật nuôi nhím lấy thịt. Hi vọng những kiến thức thực tế sẽ giúp bà con áp dụng phát triển mô hình nuôi nhím thành công trong tương lai.
Kỹ thuật nuôi nhím lấy thịt – Giới thiệu về nhím
Đặc điểm ngoại hình
Nhím đực mỏ và đuôi dài, cơ thể thuôn dài trên lưng có nhiều lông cứng hóa sừng có chiều dài khoảng 20- 30cm. Bộ phận sinh dục gồm 2 tinh hoàn nhô ra phía trước bụng.
Nhím cái có mỏ ngắn hơn, thân hình quả trám, lông dài và cứng, đuôi ngắn và hơi mập hơn con đực. Dưới háng là bộ phận sinh dục, dưới bụng có 6 vú sắp xếp đều 2 bên.
Trong họ nhà nhím thì nhím bờm được coi là loài lớn nhất cân nặng trung bình có thể đạt từ 15- 20kg. Loài nhím này có cơ thể mập mạp, mõm và đuôi hơi ngắn. Nhím bờm có 4 răng cửa rất sắc nhọn, lông hóa thành gai dài.
Tập tính
Trong tự nhiên nhím thường sống đơn lẻ chỉ khi đến mùa sinh sản chúng mới tìm nhau ghép đôi. Nhím là loài động vật có tính gia đình, nhím đực chỉ ở cùng với con do nó sinh ra.
Nhím đực thường khá hung dữ. Khi gặp nguy hiểm hay kẻ địch nhím đực sẽ dựng lông và đạp chân phành phạch xuống đất để đe dọa đối phương. Nhím cái hiền lành hơn, chỉ hung dữ lúc đẻ.
Nhím có đặc tính là hoạt động chủ yếu vào ban đêm. Mũi nhím khá thính giúp chúng dễ dàng phát hiện ra thức ăn hay nguy hiểm. Nhím thường thích sống ở những nơi yên tĩnh, nên khi nuôi nhím bà con cần xây dựng chuồng ở những nơi có ít người qua lại và tránh gây ra những tiếng động mạnh.
Kỹ thuật nuôi nhím lấy thịt – Giá trị kinh tế và công dụng
Nuôi nhím có khó không? Câu trả lời là nuôi nhím dễ hơn so với các loại gia súc, gia cầm khác như gà, trâu, bò. Thứ nhất, thời gian nuôi ngắn, sau 1 năm có thể xuất bán. Thứ hai, nhím có nguồn gốc từ động vật hoang dã nên ăn tạp, thức ăn phong phú. Thứ ba, chúng có sức đề kháng cao, ít bệnh. Mặt khác, thịt nhím lại có giá trị kinh tế cao, sinh sản nhanh, lợi nhuận lớn. Đây là một mô hình tiềm năng cho bà con ở khắp các vùng miền.
Nhím được xếp vào loại thú quý hiếm, giá thịt cao, chất lượng thịt nạc, ngon và hấp dẫn. Tỷ lệ thịt xẻ thu được so với khối lượng thực tế của con sống đạt 62% – 69%. Giá thịt nhím ở thời điểm hiện tại giao động từ 300 – 400 nghìn đồng/kg (móc hàm)/ 400 – 500 nghìn đồng/kg thịt xẻ rút xương. Ngoài thịt thì mật nhím có thể dùng xoa bóp vết thương; ruột già, gan và phân nhím được dùng để chữa bệnh phong nhiệt; dạ dày sử dụng để chữa bệnh dạ dày cho người. Chính vì thế, nhu cầu sử dụng của thị trường cao. Mô hình chăn nuôi nhím có nhiều lợi thế phát triển.
Cách chọn giống nhím lấy thịt
Nhím vốn là động vật hoang dã đã được con người thuần hóa để thích nghi với điều kiện nuôi dưỡng. Tuy nhiên khi chọn mua giống nhím bà con nên mua nhím ở những trang trại nuôi nhím lớn, có kinh nghiệm lâu năm là tốt nhất.
Kỹ thuật nuôi nhím thịt đòi hỏi cần tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong khâu chọn giống. Giống nhím có tốt thì mới cho năng suất và chất lượng thịt cao. Nên chọn con giống từ 3 tháng tuổi trở lên, khỏe mạnh, linh hoạt, không bị mắc bệnh sẽ dễ chăm sóc hơn.
Để có thêm thông tin về đơn vị cung cấp giống chuẩn, cách chọn con giống nhím đạt yêu cầu mời bà con tham khảo tại:
Kỹ thuật nuôi nhím lấy thịt
1. Hình thức nuôi nhốt
Có 2 hình thức nuôi nhốt nhím: dạng mở và dạng kín:
- Dạng mở: xây chuồng nuôi là các ô chuồng láng nền xi măng, thiết kế lưới sắt bao quanh cao 1,5m và rộng 1,5m2. Tường xây thấp 0,8m có tấm lưới sắt phủ ở trên. Đây là phương pháp được áp dụng nhiều nhất hiện nay.
- Dạng kín: Thiết kế kín bưng, xây kiên cố giống như một cái hang.
Ngoài ra để xử lý mùi hôi chuồng trại, bà con nên sử dụng chế phẩm sinh học EM VBio bằng cách: Pha 1 lít chế phẩm EM thứ cấp với 10 lít nước sạch, phun đều vào nơi ô nhiễm có mùi hôi thối, lặp lại 2-3 ngày/lần.
2. Kỹ thuật nuôi nhím lấy thịt – Cách làm chuồng
Nhím khá nhát và thường phản ứng mạnh với các tiếng động nên khi nuôi nhím bà con nên ý chọn nơi ít người và yên tĩnh để làm chuồng.
- Vị trí: Xây chuồng nhím ở một khu biệt lập, cao ráo, thoáng mát.
- Kiểu chuồng: Bà con có thể xây theo kiểu chuồng lợn 1 dãy hoặc 2 dãy hai bên ở giữa là lối đi và để thức ăn. Miền bắc lạnh rét, bà con xây tường cao xung quanh hoặc dùng bạt che ở hướng Đông Bắc.
- Mái chuồng: Thiết kế cao ráo, thông thoáng để che nắng che mưa.
- Phần sát mặt đất của các ô chuồng nên xây bằng gạch đỏ có độ cao 20cm – 30cm đề phòng nhím con thò chân từ ô này sang ô kia, dễ bị nhím đực bên đó cắn.
- Nền chuồng: cứng chắc, láng xi măng mịn phẳng hoặc lát gạch đỏ. Nền có độ dốc khoảng 3 độ về vị trí cống thoát nước thải.
- Rãnh thoát nước: Phía sau chuồng phải có rãnh thoát nước, phân thải trong chuồng nhím.
- Vật liệu làm chuồng: Theo kinh nghiệm nuôi nhím từ các hộ chăn nuôi, nên sử dụng lưới thép ô vuông có đường kính sợi thép chỉ 1mm (không nên dùng lưới thép B40).
- Chuồng nuôi chia thành từng ô sát nhau, ngăn cách bằng lưới và cọc sắt, tốt nhất làm bằng sắt 3 cạnh. Mỗi ô rộng từ 1 – 1,5m, dài tối đa 1,5m, chiều cao của lưới thép là 1 – 1,2m. Có thể làm thành các ô rộng hơn 8 – 10m2, nuôi từ 10 – 20 con nhím.
3. Thức ăn cho nhím thịt
Nhím là động vật ăn tạp nên cách nuôi nhím khá đơn giản. Khi nuôi nhốt, bà con có thể cho chúng ăn:
- Thức ăn xanh, củ quả: trái cây, lá cây, củ chuối, rễ cây, vỏ quả, chuối xanh, xơ mít, rau thừa, côn trùng, ốc, sâu bọ, giun quế, giun đất… Các loại củ quả như: ổ xanh, khoai lang, lạc, sắn tươi, su hào, su su…
- Thức ăn tinh: Ngoài ra còn có thức ăn tinh từ ngô, sắn, hạt dẻ, bí ngô, khoai, cám gạo, cám thô, cám mịn, bột ngô.
- Phụ phẩm: Nuôi nhím mô hình công nghiệp có thể bổ sung thêm phụ phẩm: hèm rượu, bia, xác mì, xác đậu nành, hoặc các loại xác đậu khác
- Xương động vật: Thỉnh thoảng có thể vứt vào trong chuồng 1 cục xương để chúng gặm.
Nuôi nhím thương phẩm cần chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho chúng. Các loại củ quả như bí đỏ, cà rốt, khoai, sắn… nên cắt miếng vừa phải để chúng gặm nhấm, không nên để cả quả.
Trường hợp đàn nhím trong chuồng phát triển với số lượng đông, bà con nên sử dụng các loại máy băm rau củ quả để tối ưu hóa khâu chuẩn bị thức ăn cho nhím.
Lamnong.tv gợi ý chiếc máy băm cỏ, băm rau củ 3A3Kw. Bà con sử dụng tích hợp băm cỏ và băm bí đỏ, cà rốt, khoai, sắn cho nhím ăn. Máy được thiết kế với 2 cửa nạp riêng biệt cho các nguyên liệu, thuận tiện sử dụng. Năng suất băm thân ngô, cỏ đạt từ 400 – 500kg/giờ. Năng suất băm củ quả đạt từ 800 – 900kg/giờ.
4. Kỹ thuật nuôi nhím lấy thịt – Khẩu phần ăn
Đối với 1 con nhím trưởng thành, chúng sẽ cần lượng thức ăn là:
- Thức ăn thô xanh: 0,5kg/con/ngày.
- Thức ăn tinh: 0,3kg/con/ngày.
- Thức ăn giàu vitamin: cho ăn tự do, bao gồm các loại lá cây và ổi xanh, chuối xanh, quả sung, quả me, quả mơ, mận…
- Thức ăn khoáng: muối ăn từ 2 – 3g/con/ngày. Và xương trâu, bò từ 100 – 200g/con/ngày.
Giai đoạn nhím từ 1 – 3 tháng tuổi:
- Rau, củ, quả các loại là 0,3 kg/con/ngày.
- Cám viên hỗn hợp là 0,01 kg/con/ngày.
- Lúa, bắp, đậu là 0,01 kg/con/ngày.
- Khô dầu, dừa, lạc các loại là 0,01 kg/con/ngày.
Giai đoạn nhím từ 1-3 tháng tuổi bộ máy tiêu hóa của nhím chưa được hoàn thiện, dễ gặp vấn đề. Do vậy thức ăn cho nhím không được ôi thiu, mốc, có chất độc hại.
Giai đoạn nhím từ 4 – 6 tháng tuổi:
- Rau, củ, quả các loại là 0,6 kg/con/ngày.
- Cám viên hỗn hợp là 0,02 kg/con/ngày.
- Lúa, bắp, đậu là 0,02 kg/con/ngày.
- Khô dầu, dừa, lạc các loại là 0,01 kg/con/ngày.
Giai đoạn nhím từ 7 – 9 tháng tuổi:
- Rau, củ, quả các loại là 1,2 kg/con/ngày.
- Cám viên hỗn hợp là 0,04 kg/con/ngày.
- Lúa, bắp, đậu là 0,04 kg/con/ngày.
- Khô dầu, dừa, lạc các loại là 0,02 kg/con/ngày.
Giai đoạn nhím từ 10 – 12 tháng tuổi:
- Rau, củ, quả các loại là 2 kg/con/ngày.
- Cám viên hỗn hợp là 0,08 kg/con/ngày.
- Lúa, bắp, đậu là 0,08 kg/con/ngày.
- Khô dầu, dừa, lạc các loại là 0,04 kg/con/ngày.
Bà con có thể tham khảo thêm khẩu phần ăn tại các trại nhím:
- Khẩu phần ăn điển hình của trại nhím Tuân Hòa (Củ Chi)
Nhóm | Tuổi (tháng) | Khối lượng cơ thể (kg) | Củ khoai lang tươi (kg) | Rau muống tươi (kg) |
Nhóm 1 | 8 – 10 | 11,5 | 0,45 | 1,125 |
Nhóm 2 | 11 – 13 | 11,8 | 0,65 | 0,125 |
Nhóm 3 | 14 trở lên | 15,6 | 0,8 | 0,2 |
- Khẩu phần ăn theo khối lượng cơ thể tại trại Ba Vì
STT | Khối lượng (kg/con/ngày) | Ngô hạ (kg/con/ngày) | Sắn củ tươi (kg/con/ngày) |
1 | > 2 đến <4 | 0,220 | 0,156 |
2 | >4 đến <6 | 0,246 | 0,184 |
3 | >6 đến <8 | 0,308 | 0,199 |
4 | >8 | 0,327 | 0,202 |
Trung bình | 0,284 | 0,191 |
5. Kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng nhím lấy thịt
Những ngày đầu
Làm quen với nhím bằng cách cung cấp thức ăn hàng ngày cho chúng. Tuy nhiên, cần cố gắng đảm bảo môi trường nuôi dưỡng yên tĩnh. Không nên chỉ trỏ, ngắm nghía, quan sát khi chúng mới về. Đảm bảo mật độ mỗi ô nuôi từ 2 – 3 con. Sau thời gian đầu, chúng đã quen thì bà con có thể vào chuồng làm vệ sinh và chăm sóc.
Kỹ thuật cho ăn
Thức ăn xanh chiếm 90% trong khẩu phần ăn của nhím. Trong đó các loại rau cỏ chiếm 45% và củ quả chiếm 45%. Lượng thức ăn tinh trong khẩu phần thức ăn của nhím không qua 10%.
Quan sát nhím ăn, nếu thấy chúng thích loại thức ăn nào thì tăng khẩu phần loại đó. Nếu ăn thiếu, cần bổ sung thêm và ăn thừa thì rút bớt lượng thức ăn lại.
Thời gian cho nhím ăn thích hợp: buổi chiều tối (bữa chính 70%) và buổi trưa (bữa phụ 30%). Cần tạo phản xạ cho chúng bằng cách ăn đúng bữa, đúng giờ.
Khi cho ăn, không nên đổ ào ào thức ăn cùng một lúc mà nên cho đàn nhím ăn dần dần, khi thấy hết thì cho thêm. Đây là thời điểm thích hợp để gần gũi với chúng.
Lưu ý trong cách nuôi nhím không nên cho chúng ăn 1 loại thức ăn. Mà thay vào đó là đổi món hàng ngày để tạo cảm giác ngon miệng hơn. Bản chất nhím là động vật thích gặm nhấm. Càng gặm nhiều, chúng lại càng lớn nhanh. Do đó nên cung cấp nguồn thức ăn đủ và chất lượng tốt, chúng sẽ tăng trọng nhanh.
Nước uống cho nhím
Nhím ăn rất nhiều thức ăn thô xanh, vì thế chúng không cần uống nhiều nước. Lượng nước trung bình cần chuẩn bị là 1 lít/5 con/ngày cho uống tự do.
Chăm sóc nuôi dưỡng hàng ngày
Vào mùa hè oi bức, bà con nên kết hợp tắm cho nhím và dọn dẹp chuồng sau bữa trưa. Nhím không sợ nước, mà ngược lại, chúng thích được phun tắm hàng ngày. Tuy nhiên, lúc đầu chúng có thể tỏ ra hốt hoảng vì chưa quen, bà con cần nhẫn nại.
6. Vệ sinh phòng bệnh khi nuôi nhím
Một trong những kỹ thuật nuôi nhím thịt quan trọng là công tác vệ sinh. Bà con cần phải dọn dẹp vệ sinh hàng ngày, tuyệt đối không để chất thải, thức ăn thừa, phân của nhím lưu giữ trong chuồng. Cần phải dồn chúng xuống rãnh và đưa ra hố chứa bên ngoài. Chuồng nuôi nhím thịt cần phải được giữ sạch sẽ để không gây bệnh cho nhím.
Không cho nhím ăn thức ăn bị ôi thiu, mốc. Cần phải rửa sạch nguồn thức ăn khi thu lượm về. Với xương động vật, cần rửa sạch, phơi thật khô và giữ vệ sinh tốt.
Định kỳ 15 ngày quét vôi và phun thuốc khử khuẩn xung quanh chuồng để đàn nhím sinh trưởng khỏe mạnh.
Vệ sinh máng ăn, máng uống, thay nước sạch hàng ngày cho nhím.
Nhím ít mắc bệnh, tuy nhiên, bà con cần định kỳ tẩy giun sát, ghẻ cho chúng.
Nhím nuôi sau 12 tháng có thể xuất chuồng bán lấy thịt. Quả thật so với gà vịt thì nuôi nhím giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều. Hi vọng trọn bộ kỹ thuật nuôi nhím lấy thịt mà chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ giúp bà con phát triển quy mô chăn nuôi lớn trong thời gian tới.