Kỹ thuật trồng ổi lê Đài Loan mang lại hiệu quả kinh tế cao
Giống ổi lê Đài Loan vốn nổi tiếng là giống ổi thơm ngon, giòn ngọt mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân. Chính vì vậy mà đã có nhiều nơi nhân giống và canh tác loại quả này, giúp tăng thu nhập cải thiện đời sống cũng như đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ ngày một tăng của thị trường. Ổi lê vốn ưa khí hậu nóng ẩm, hợp với thổ nhưỡng của Việt Nam nên sinh trưởng, phát triển tốt và mang lại năng suất cao. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến mọi người kỹ thuật trồng ổi lê Đài Loan chi tiết, ngắn gọn các bước.
Mục lục
1. Tiềm năng kinh tế của ổi lê
Giống ổi này được xếp vào loại quả cho năng suất cao hơn những loại trái cây khác và cho quả quanh năm. Quả ổi lê ăn ngon ngọt, giòn tan, vị thơm mát nên rất có giá trên thị trường. Nhận thấy được hiệu quả kinh tế đem lại từ cây ổi lê Đài Loan là rất lớn, nhiều bà con nông dân đã mạnh dạn mua giống và mở rộng quy mô canh tác lên tới vài mẫu. Nhờ trồng ổi lê Đài Loan thành công, cây nào cũng sai trĩu quả, da căng bóng mịn mà nhiều bà con ở các tỉnh thành trên cả nước đã giàu lên nhanh chóng, kinh tế ngày càng vững mạnh mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.
Diện tích trồng ổi lê nhờ đó tăng lên nhanh chóng, theo chia sẻ từ một hộ gia đình ở Vùng đồng bằng sông Hồng với khoảng 450 gốc ổi lê Đài Loan, trung bình mỗi tháng sẽ cho thu hoạch khoảng 1 tấn ổi. Nếu được giá, gia đình sẽ thu về được khoảng 20 triệu đồng, mức lợi nhuận cao hơn hẳn so với việc trồng các cây ăn quả khác như mít, táo, nhãn… chỉ có tính thời vụ. Do đó, “trồng ổi làm giàu” là câu nói đang được truyền miệng nhau khá nhiều trong thời gian vừa qua.
2. Điều kiện sinh trưởng của ổi lê
Giống cây ổi lê Đài Loan được đánh giá là cây ăn quả rất hợp với thổ nhưỡng và khí hậu Việt Nam. Tuy nhiên, tùy từng địa phương mà giống ổi cũng cho ra năng suất khác nhau, loại cây này phù hợp nhất với điều kiện sinh trưởng như sau:
- Khí hậu: Loại cây ưa khí hậu nóng ẩm, cho trái nhiều vào thời điểm mùa hè. Nhiệt độ trung bình cây chịu được từ 25 đến 30°C, không quá nóng cũng không quá lạnh. Loại cây này chịu lạnh không tốt và mưa nhiều, vào mùa đông sẽ khó đậu quả hơn, quả non sẽ nhanh bị rụng. Trái ổi ngọt và giòn hơn khi được sống trong điều kiện khí hậu phù hợp.
- Lượng mưa: Ổi phát triển tốt nhất khi lượng mưa trung bình vào khoảng 1500 – 3500 mm/năm. Rễ cây sẽ thích ứng tùy theo lượng nước ở trong đất canh tác. Nếu trời khô hạn, mực nước trên bề mặt đất giảm xuống thấp, bộ rễ của cây sẽ đâm thẳng đứng sâu xuống dưới lòng đất khoảng 2-4 mét để hút nước ngầm. Còn nếu mưa nhiều, rễ ổi có khả năng điều tiết nước nên không sợ bị chết úng nếu ngập 3-5 ngày. Vì vậy, bà con có thể dựa vào đặc điểm sinh trưởng này để chủ động tưới tiêu trên bề mặt đất để rễ cây lan ở lớp đất mặt giàu chất dinh dưỡng.
Tuy là giống cây chịu được mưa tốt nhưng nếu thời tiết mưa nhiều sẽ làm giảm vị ngọt cùng chất lượng của quả ổi. Do đó, các vùng có thời tiết mưa nhiều quanh năm thì không nên lựa chọn loại quả này để phát triển kinh tế lâu dài.
- Thổ nhưỡng: Ổi sinh trưởng tốt ở trên đất phù sa như Đồng bằng Sông Hồng, Đồng bằng Sông Cửu Long… Tuy nhiên, là giống cây dễ trồng ổi lê Đài Loan hoàn toàn có thể sống trên đất chua, đất phèn nếu như đất được cải tạo thường xuyên, độ PH không vượt quá ngưỡng cho phép từ 5 – 8 (tốt nhất từ 6-7). Đất canh tác cần hệ thống tưới tiêu và thoát nước tốt để trái ổi đạt năng suất cao.
- Ánh sáng: Nên trồng ổi ở nơi nhiều ánh sáng, khô thoáng, không để bóng cây che mất nắng.
3. Kỹ thuật trồng ổi lê – Cách chọn giống
Từ trước đến nay có rất nhiều giống ổi lê được phân bố rộng khắp trên cả nước, tuy nhiên vài năm trở lại đây giống ổi lê Đài Loan đang được đánh giá cao hơn cả. Bởi giống ổi này không những dễ trồng mà còn mang lại giá trị kinh tế cao, giúp bà con nông dân nhiều địa phương giàu lên nhanh chóng.
Giống ổi lê Đài Loan ít hạt, ngọt và thơm mát được nhân giống bằng 2 phương pháp chủ yếu là ghép cành và chiết cành. Cách chọn giống ổi lê dựa vào các yếu tố sau:
- Chọn giống bằng phương pháp vô tính như chiết hoặc ghép để sớm thu được trái.
- Giống mua về phải đảm bảo cao khoảng 30 – 50 cm, cành mập, không bị sâu bệnh.
- Đối với cành ghép mắt phải ra mầm đẹp, không bị bong tróc, héo ngọn.
- Tuổi của cây giống không vượt quá 18 tháng.
- Cây chiết phải đảm bảo rễ trắng đẹp và đều quanh gốc.
4. Thời vụ và mật độ trồng
Giống ổi lê Đài Loan có thể trồng quanh năm nhưng thời điểm tốt nhất của loại cây này là vào đầu mùa mưa (tháng 6 – tháng 7) và mùa xuân từ tháng 2.
Mật độ khoảng cách trồng ổi lê Đài Loan phải tuân thủ khoảng cách tối thiểu từ 3 – 4 mét để cây có thể hấp thu dinh dưỡng cần thiết. Theo kinh nghiệm của người trồng ổi lâu năm, nên tiến hành việc trồng kép 2 cây ở một gốc, trung bình trồng từ 90 – 110 gốc /1000 m2 việc này sẽ đem lại lợi nhuận kép, vừa tiết kiệm chi phí vừa nâng cao được năng suất thành phẩm. Khi trồng bà con cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các kỹ thuật trồng ổi lê ngọt.
5. Kỹ thuật trồng ổi lê
Muốn cây trồng đạt năng suất cao, bà con cần tham khảo kỹ thuật trồng ổi lê sau đây, việc này cần chuẩn bị từ khâu lựa chọn đất đến xây dựng hệ thống tưới tiêu, cũng như cách trồng ổi sao cho hợp lý.
5.1. Chuẩn bị đất trồng
Lựa chọn đất trồng tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng, giữ nước tốt, tạo tầng đất mặt khoảng 50 – 60 cm để cây hấp thu được tối đa dưỡng chất, cho trái to, quả ngọt. Đối với những vùng đất trùng thấp, dễ ngập úng bà con nên đôn đất lên cao thành có mô đất và đào rãnh thoát nước xung quanh.
Tạo các hố đất có đường kính 20 cm đến 30 cm sâu khoảng 30 cm, mật độ mỗi cây khoảng 3 – 4 mét và mỗi hàng trồng cây cách nhau tối thiểu là 4 mét. Tiếp theo bà con tạo các hố có hình vuông đều các cạnh 60cm x 60cm x 60cm. Lưu ý, nên tạo các hố trồng trước khoảng 1 tháng để có thời gian phơi đất tránh được sâu bệnh hại gốc cây ở giai đoạn mới trồng. Khi đào lớp đất mặt để riêng, lớp đất dưới trộn thêm phân bón hữu cơ, vôi bột và ủ đến lúc trồng cây.
Để đất giàu dưỡng chất tốt nhất bà con bón lót bằng phân chuồng và một số loại phân bón theo tỉ lệ sau: 5 kg phân chuồng mục + 1 kg lân + 200g (kali và ure) hoặc 1,5 kg đến 2 kg phân NPK cho mỗi hố trồng. Trộn đều đất và phân bón sau đó ủ trước khoảng 1 tháng mới đem trồng cây.
Muốn cây ổi phát triển 1 cách tốt nhất, ít sâu bệnh, quả to đều và ngon ngọt bà con hãy thường xuyên cải tạo đất bằng các cách sau:
Để cây ổi lê Đài Loan phát triển một cách tốt nhất, bà con có thể cải tạo đất cho cây trồng bằng hai cách sau:
Cải tạo đất với chế phẩm vi sinh trước khi trồng: Mỗi khi đào hố trồng hay đắp ụ trồng ổi thì bà con cần men vi sinh EM khoảng 7 đến 15ml pha cùng với nước và ủ ẩm đều lên diện tích đất trồng cây. Khi độ ẩm đất trồng đạt nước 70 – 80% là đạt yêu cầu.
Cải tạo đất trong quá trình trồng: Khi trồng cây và sau một quá trình tăng trưởng, phát triển cây sẽ hút bớt một lượng chất dinh dưỡng có trong đất. Lúc này nó thường bị bám chặt lấy bề mặt vì điều kiện tự nhiên và điều kiện chăm sóc, từ đó làm sự phát triển của bộ rễ cây bị ảnh hưởng khá nhiều. Để khắc phục tình trạng này, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng trong đất cũng như tạo điều kiện cho bộ rễ cây trồng được phát triển tốt nhất, thì định kỳ 3 đến 5 tháng một lần bà con phải bổ sung chế phẩm sinh học cho đất. Bà con nên sử dụng liều lượng thích hợp là 2 đến 3ml chế phẩm hòa cùng với lượng nước đủ để tưới ẩm quanh gốc là được.
- Sau khoảng thời gian ủ đất bà con bóc túi bọc bầu, đặt cây vào chính hố, lấp đất kín bầu, dùng thanh que nhỏ cắm nghiêng để định hình cây, cố định không cho nghiêng gốc, sau đó dùng xơ dừa, cỏ để che gốc.
- Quá trình cây lớn sẽ hút chất dinh dưỡng từ trong đất để nuôi cây, lúc này bộ rễ cây sẽ phát triển một cách nhanh chóng, lan rộng và đâm sâu xuống bề mặt. Thời điểm này rễ sẽ bám chặt vào bề mặt đất, từ đó làm bộ rễ bị ảnh hưởng khá nhiều. Để khắc phục tình trạng này cứ định kỳ từ 3 đến 5 tháng bà con nên sử dụng chế phẩm sinh học để cải tạo đất. Mỗi lần chỉ lên sử dụng từ 3 – 5 ml cùng với nước hòa tan đổ quanh gốc trồng là được.
5.2. Hệ thống tưới
Trong quá trình quy hoạch và phân bổ khu vực trồng bà con nên thiết kế một hệ thống tưới tiêu phù hợp. Nên lựa chọn tưới phun quanh gốc bằng hệ thống máy bơm chuyên dụng, ống dẫn nước được nối cố định với máy, có khả năng xoay góc linh động. Ống bơm đặt cao mặt đất khoảng 0,5 – 1m dưới dạng tưới phun sương hoặc phun mù để tưới hàng ngày, đặc biệt vào thời gian khô hạn, nắng nóng trong năm. Việc tưới tiêu thường xuyên, giúp cây lớn đều, tỉ lệ đậu quả cao và trái có kích thước lớn.
Tùy vào quy mô canh tác mà bà con có thể lựa chọn dạng máy bơm phù hợp, có thể lựa chọn máy phun sương hoặc tưới nhỏ giọt, máy di động hay máy cố định.
5.3. Trồng cây chắn gió
Với kỹ thuật trồng ổi lê việc chắn gió xung quanh vườn trồng là vô cùng cần thiết, việc này sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại do gió, đồng thời ngăn ngừa côn trùng xâm nhập vào vườn làm hỏng hoa và quả non. Ngoài việc sử dụng lưới chắn gió gây tốn kém, thì nên lựa chọn cách chắn gió tự nhiên bằng các hàng rào từ cây dâm bụt bằng cách trồng cây đan chéo nhau theo hình chữ A, sao cho cây không cao quá 3m.
5.4. Cách trồng ổi lê
Sau tất cả các khâu chuẩn bị từ đất trồng, hệ thống tưới tiêu đến hàng cây chắn gió thì bây giờ sẽ đến bước trồng cây vào hố. Lựa chọn các bầu đẹp, đều nhau dùng dao rạch lớp túi bóng ngoài của bầu đất, rồi đặt cây con vào giữa hố. Sao cho thân cây không bị ngập quá sâu, rồi từ từ lấp đất đã ủ phân xung quanh hố. Lưu ý khi trồng cần nhẹ nhàng tránh làm vỡ bầu cây gây chột rễ, ảnh hưởng đến quá trình phát triển sau này của cây.
Hãy cố định cây bằng cọc và vun đất cao hơn gốc 1 chút để cây đứng vững hơn khi gió to. Nếu cẩn thận bà con có thể dùng tấm nilon vây quanh các gốc mới trồng để chắn gió. Khi trồng xong đừng quên tưới nước giữ ẩm cho gốc cây.
6. Cách chăm sóc
Cây ổi trồng không khó, tuy nhiên để cây cho trái đạt chất lượng cao thì cần phải chăm sóc tỉ mỉ, từ khâu vun trồng cho tới tưới tiêu.
6.1. Tưới nước
Sau khi trồng cần tưới nước thường xuyên với lượng vừa đủ để cây tươi tốt, nhanh bén rễ. Với thời tiết nắng nóng, khô hạn việc tưới tiêu cần hàng ngày, còn trời mưa thì không cần tưới nước. Đối với khu vực nước nhiễm mặn, nhiễm phèn thì nước phải được xử lý trước khi tưới cho cây.
Với cây mới trồng gốc còn chưa vững bà con sử dụng máy phun sương, không nên trực tiếp xịt nước vào gốc sẽ dễ bị gãy.
6.2 Phủ gốc giữ ẩm, trừ cỏ dại
Để tiết kiệm nước tưới tiêu cũng như bảo vệ bộ rễ của cây thì sau khi trồng bà con nên sử dụng cỏ khô, gốc ngô hoặc bã dừa để che phủ gốc. Đặc biệt vào mùa nắng nóng cao điểm, ít mưa. Tuyệt đối bà con không để cỏ dại mọc xung quanh gốc ổi vì như vậy cỏ sẽ hút bớt chất dinh dưỡng từ đất, khiến cây ổi thiếu chất để sinh trưởng.
Vào mùa mưa thì bà con không cần che phủ để tránh ẩm ướt, tích nước gây úng rễ và tạo điều kiện cho sâu bệnh sinh sôi.
6.3. Tỉa cành, tạo hình cho cây ổi lê
Để dễ dàng chăm sóc và thu hoạch, quá trình cây trưởng thành sẽ được tạo hình và cắt tỉa thường xuyên nhất là đối với những vườn ổi chuyên canh. Bà con nên khống chế chiều cao của cây theo độ tuổi như sau: 3-4 tuổi khoảng 1,5 mét; cây 5-6 năm cao từ 1,6 – 1,8 mét; cây 7-8 năm tuổi cao 2 mét. Việc này sẽ giúp ích cho quá trình thu hoạch và cây trưởng thành sẽ cho chất lượng quả tốt hơn.
Đối với cây ổi nên chỉ để một thân chính sau đó phân nhánh ra, tán tạo theo hình cầu hay hình nấm để cây hấp thu được nhiều ánh sáng. Cây trồng được khoảng 3 tháng, bà con nên tiến hành tỉa cành và bấm ngọn lần 1. Sau đó giữ khoảng 3 – 4 nhánh chính cho mọc đều ra các hướng, các nhánh dài lại tiến hành phân cấp tương tự như vậy.
6.4. Bón phân cho cây ổi lê
Ở khâu chăm sóc sau khi trồng cần phải bón phân theo định kỳ đảm bảo liều lượng cho phép, mỗi giai đoạn cần có cách chăm sóc cây ổi lê khác nhau. Ví dụ để thúc đẩy cây lớn nhanh, khỏe mạnh trong khoảng thời gian tháng đầu sau trồng cây bà con lựa chọn bón phân DAP, còn đến khi cây trưởng thành để thúc đẩy ra hoa, nuôi quả sớm được thu hoạch trái thì hãy dùng phân bón NPK. Bên cạnh đó, thường xuyên cải tạo đất bằng cách xới đất quanh gốc, vun gốc và cải tạo đất bằng các chế phẩm sinh học. Đồng thời, cắt tỉa bớt cành lá, dọn dẹp cỏ quanh gốc cây.
Đến khi cây ra hoa cũng cần phải được cắt tỉa thường xuyên để cây đạt sản lượng quả cao nhất. Ổi sẽ cho hoa quanh năm, nhưng tùy vào mùa sẽ ra nhiều hay ít, nếu chính vụ bà con nên cắt bớt hoa, bấm nhánh thừa chưa ra hoa để cây tập trung nuôi quả. Đối với những cặp hoa kép nên cắt bỏ bớt một hoa để một hoa chất lượng hơn. Nếu cây đang quá trình nuôi quả việc bấm đọt thừa được tiến hành thường xuyên 1 – 2 tuần/lần.
6.5. Kỹ thuật trồng ổi lê – Cách bao quả
Mô hình trồng ổi lê Đài Loan đang được nhân rộng trên khắp cả nước, do đó mà việc tìm hiểu về quy trình trồng ổi lê Đài Loan đang được nhiều bà con quan tâm. Sau các công đoạn làm hố trồng, chăm bón, cắt tỉa thì đến công đoạn ra quả bà con sẽ thực hiện công đoạn bao trái. Bà con nên sử dụng bao xốp để bọc xung quanh trái và bọc túi nilon bên ngoài để trái bớt cháy nắng, tránh được sâu ăn quả và ruồi đẻ trứng. Đồng thời, bao trái cũng giúp hạn chế ảnh hưởng của thuốc trừ sâu.
7. Phòng trừ sâu bệnh
Ổi là giống thân gỗ khá cứng nhưng lá ổi mềm, có vị chát nhất là phần chồi non. Đây chính là nơi rệp mềm thường tấn công và trú ngụ để hút nhựa. Khi rệp hút nhựa các ngọn cây sẽ dần bị thui đi do bị mất chất nuôi sống, các lá cò lại không tổng hợp được ánh sáng gây ảnh hưởng đến chất lượng của trái. Ngoài ra, phân rệp còn là môi trường sống lý tưởng của nấm bồ hóng, hai loại này cộng sinh với nhau sẽ gây hại cho cây ổi. Bà con có thể phòng tránh bằng cách thường xuyên chăm sóc, phun thuốc trừ sâu đúng đợt.
Những loại sâu bệnh thường gây hại cho cây ổi bao gồm:
- Sâu róm, sâu cuốn lá, sâu đục thân: Sâu róm sinh trưởng và phát triển nhiều ở cây ổi, chúng chủ yếu ăn lá ngon và búp mới mọc, do đó cần sử dụng thuốc trừ sâu để tiêu diệt như thuốc Shearpa, Dipterec, Vitaco, regant…
- Bệnh rệp và nấm bồ hóng: Bệnh này phát triển trên toàn thân cây, ở cả lá và thân. Bà con nên dùng thuốc Bassa, Ricide, Anvado để phun tiêu diệt rệp và nấm.
- Bọ xít: Chúng hút nhựa ở trên các thân cây non, vậy nên bà con dùng thuốc Dipterex để tiêu diệt bọ xít tấn công.
- Bệnh ruồi đục trái: Ruồi cái trưởng thành đến mùa sinh sản thường chọn các quả ồi đang chín để đẻ trứng, do đó cần bao trái và dùng thuốc Viziubon- D loại trừ mầm bệnh.
8. Thu hoạch
Vì trái ổi ra quanh năm nên thời điểm thu hoạch sẽ dựa vào độ chín của quả. Khi vỏ đạt kích thước và vỏ chuyển từ màu sang sang xanh vàng, phần thịt chuyển từ cứng sang giòn, vị ngọt thơm thì bà con có thể thu hái.
Thời điểm thu hái tốt nhất là vào buổi sáng sớm, thời tiết tạnh ráo hoặc vào buổi chiều mát, tránh ánh nắng gây héo quả, xuống mã. Trái sau khi thu hoach cần cất vào bóng râm, để cố định tránh trầy xước vỏ.
Như vậy, trên đây là những nội dung chi tiết về kỹ thuật trồng ổi lê Đài Loan đơn giản và mang đến năng suất cao. Chúc bà con thành công trong việc trồng ổi lê để phát triển kinh tế và trở thành nguồn thu nhập ổn định mỗi năm.