Kỹ thuật nuôi gà sao sử dụng đệm lót sinh học đem lại hiệu quả cao
Kỹ thuật nuôi gà sao – Hướng dẫn chi tiết cách nuôi gà sao trên nền đệm lót sinh học hiệu quả
So với những giống gà khác thì gà sao có chất lượng thịt ngon hơn, giá bán thương phẩm cao gấp đôi. Đặc biệt sức đề kháng của gà sao rất tốt, dễ nuôi, thích nghi với nhiều điều kiện vùng miền khác nhau, cũng như nhiều hình thức nuôi trang trại hay thả vườn, vì thế mà hiện nay nhiều hộ nông dân lựa chọn giải pháp chăn nuôi này để làm giàu. Nếu bạn đang muốn học hỏi kỹ thuật nuôi gà sao sử dụng đệm lót sinh học thì hãy tham khảo bài viết chia sẻ dưới đây nhé.
Mục lục
1. Đặc tính sinh học của gà sao
Gà sao thực tế là một giống gà ngoại và chỉ mới được nhập về Việt Nam trong một vài năm trở lại đây. Điểm cộng lớn nhất của gà sao là sức đề kháng tốt, dễ nuôi, thích nghi với nhiều điều kiện vùng sinh thái, dù là nuôi gà sao thả vườn hay nuôi nhốt đều đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Khi một ngày tuổi gà sao có bộ lông màu cảnh sẻ và có các đường kẻ sọc chạy dài từ phần đầu đến cuối thân. Mỏ và chân của gà sao có màu hồng, mỗi chân có 4 ngón và 2 hàng vảy. Khi bước sang giai đoạn trưởng thành bộ lông của gà sao chuyển sang màu xám đen, trên phiến lông cũng có thêm nhiều chấm trắng tròn nhỏ.
Thân gà sao hình thoi, lưng hơi gù, đuôi cụp. Phần đầu của chúng không có mào mà có mấu sừng. Đặc biệt, mấu sừng sẽ tăng lên theo tuần tuổi. Đến khi bước vào giai đoạn trưởng thành mấu sừng của gà sao dài khoảng 1.5 đến 2cm.
Mào tích của gà sao có màu trắng hồng và thường được chia làm hai loại. Loại thứ nhất có hình lát dẹt áp sát vào cổ, loại thứ hai có hình lá hoa đá rủ xuống. Phần da mặt và cổ của gà sao không có lông như giống gà thường thấy. Điểm đặc biệt là lớp da trần này có màu xanh da trời, dưới cổ có yếm thịt mỏng. Chân gà khô và con trống cũng không có cựa.
2. Chuồng trại nuôi gà sao
Để phát triển mô hình nuôi gà sao hiệu quả thì nhiệm vụ đầu tiên mà bà con cần phải quan tâm đó là vấn đề chuồng trại. Cụ thể như sau:
– Thiết kế chuồng trại
Chuồng trại nuôi gà sao phải được bố trí ở khu riêng biệt, cách xa với khu dân cư sinh sống. Nền chuồng được đầm bằng bê tông nhám, chân tường được xây bằng gạch cao tầm 50cm tính từ mặt đất trở lên, phần phía trên tường được bao quanh bởi lưới B40 đảm bảo sự thông thoáng.
Mái chuồng nuôi gà sao tốt nhất là lợp bằng tranh hoặc fibro xi măng. Đôi khi bà con cũng có thể lợp bằng tôn nhưng cần đảm bảo duy trì nhiệt độ đúng yêu cầu (khoảng 32 độ C bên trong chuồng nuôi gà). Phần mái nên lợp rộng vượt quá tường càng nhiều càng tốt, tránh bị mưa tạt vào. Giả sử phần tường xây dựng cao 3m thì mái vượt rộng ra ngoài ít nhất từ 1 đến 2m. Xung quanh tường lưới B40 là tấm rèm bạt có thể cuốn lên, hạ xuống với công dụng chắn gió mùa đông cũng như tạo được sự thông thoáng cho mùa hè, hạn chế tối đa tình trạng nhiễm bệnh.
Nếu nuôi gà bằng đệm lót sinh học thì cần có chất độn chuồng. Chất độn này có thể là trấu hay phôi bào, rơm khô băm nhỏ đều được. Yêu cầu độ dày của lớp độn khoảng 10cm, đảm bảo ánh sáng chiếu đến chuồng 100%. Vì gà sao có tập tính bay nhảy nên bà con cần bố trí sào ngang chuồng cao từ 1 đến 1.5 mét.
Khác với các giống gà thông thường, gà sao rất nhát, sợ tiếng ồn. Do đó bà con hãy bố trí chuồng nuôi gà sao cách khu vực có tiếng ồn càng xa càng tốt. Cuối cùng cũng phải che cẩn thận ở phía trên để tránh gà bay ra ngoài, bởi gà sao có thể bay quá 3 mét đấy nhé.
– Xử lý chuồng trại
Dù là nuôi gà sao thương phẩm hay nuôi gà sao sinh sản thì việc xử lý chuồng trại đều rất quan trọng. Theo đó, bà con cần quét dọn chuồng sạch sẽ. Sử dụng bơm áp suất cao để tẩy rửa toàn bộ chuồng nuôi được sạch sẽ.
Sử dụng vôi có nồng độ khoảng 20% để quét toàn bộ nền chuồng, tường chuồng rồi sau đó mới rải chất độn nền chuồng lên 10cm. Muốn xử lý vi khuẩn bà con chỉ cần dùng clo để tẩy với liều lượng 1 lít/1m2. Theo kinh nghiệm nuôi gà sao của các chuyên gia thì nên để trống chuồng khoảng 2 đến 3 ngày sau khi xử lý vi khuẩn và quét dọn rồi mới được thả gà mới vào.
3. Chuẩn bị điều kiện nuôi
Điều kiện nuôi là một yếu tố rất quan trọng trong kỹ thuật nuôi gà sao. Dù thiếu bất kỳ một trong những yếu tố nào dưới đây cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả chăn nuôi cuối cùng.
– Máng ăn
Bà con cần trang bị đầy đủ máng ăn để không xảy ra tình trạng gà chen lấn, tranh giành thức ăn, được ăn đồng đều. Ở giai đoạn 2 đến 3 tuần đầu bà con có thể sử dụng máng ăn làm bằng tôn hay nhựa, kích thước máng ăn trung bình từ 60 x 80cm cho 100 con gà. Sang đến tuần thứ 3 bà con cần thay loại máng ăn dài hơn hay máng P50.
Chiều dài của máng ăn bình quân cho gà 1 đến 2 tuần tuổi là 3 đến 4cm/con, còn với gà 3 đến 6 tuần tuổi thì phải đạt 4 đến 5cm/con. Khi gà sao ở giai đoạn 7 tức là giai đoạn giết thịt thì máng ăn cần 5 đến 6cm/con. Cần cho ăn nhiều lần trong ngày, thức ăn cho gà sao phải được định lượng cẩn thận theo nhu cầu của từng giai đoạn gà phát triển. Ngoài ra, thức ăn cũng cần phải mới, sạch sẽ, kích thích sự thèm ăn của gà.
Mỗi lần cho gà ăn bà con phải loại bỏ chất độn chuồng và phân lẫn trong máng ăn. Sau 3 tuần hãy thay khay ăn bằng máng dài và phải được gắn một cách chắc chắn. Bởi gà sao rất nghịch, nếu máng treo không phù hợp chúng có thể bay nhảy, làm nghiêng đổ hết thức ăn ở trong máng.
– Máng uống
Đối với máng uống bà con có thể dùng loại chụp nước uống tự động bằng nhựa với dung tích khoảng 3.5 lít cho 100 con. Khi chúng phát triển đến giai đoạn gà dò thì hãy dùng loại chụp nước uống bằng nhựa với dung tích 6 đến 8 lít cho 50 đến 100 con gà. Vị trí đặt máng uống yêu cầu phải cách xa một khoảng nhất định với máng uống, như vậy vừa tiện lợi cho gà uống nước vừa không để đổ vào nước vào thức ăn.
– Đệm lót sinh học
Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà cũng là một kỹ thuật nuôi gà sao khá phổ biến hiện nay. Theo đó, bà con có thể áp dụng một trong hai cách dưới đây.
Cách 1: Làm đệm lót sinh học từ trấu
Bước 1: Bà con hãy rải trấu lên toàn bộ nền chuồng nuôi gà với độ dày khoảng từ 10 đến 15cm. Khi lớp trấu càng dày thì hiệu quả sẽ càng cao và sau khi rải trấu xong thì hãy thả gà vào.
Bước 2: Đối với gà úm thì cần sau 5 đến 7 ngày, còn với gà nuôi lấy thịt thì 1 đến 2 ngày bạn sẽ thấy phân được rải kín trên bề mặt của chuồng nuôi. Lúc này hãy tiến hành cào nhẹ lớp mặt của đệm lót học với độ sâu khoảng từ 1 đến 3cm. Để tránh gây stress cho gà thì khi thực hiện việc làm này bà con nên quây gà gọn về một góc hoặc thả gà ra sân chơi.
Bước 3: Sau khi đảo lớp mặt xong thì bà con hãy rắc đều chế phẩm sinh học EM VBio lên trên bề mặt của lớp đệm lót sinh học ở trong chuồng gà. Đeo găng tay vào rồi cào nhẹ và đều trên bề mặt của đệm lót sinh học, để lớp men có thể phân tán khắp toàn bộ các vị trí của chuồng nuôi.
Đối với cách kỹ thuật nuôi gà sao này thì bà con cần lưu ý rằng nhiệt độ của đệm lót luôn nóng ẩm. Vì vậy khi úm gà chỉ cần quây kín ở phía dưới <50cm là được, còn ở phía trên thì hãy để cho nó được thông thoáng. Khi muốn thắp đèn cho gà phải treo cao, nhất là vào mùa nóng.
Cách 2: Làm đệm lót sinh học trấu kết hợp mùn cưa
Mùn cưa có đặc tính là hút ẩm tốt, vậy nên nhiều bà con chăn nuôi gà sao cũng kết hợp trấu với mùn cưa để làm đệm lót sinh học, qua đó kéo dài thời gian nuôi hơn.
Bước 1: Đầu tiên bà con cần rải một lớp mùn cưa có độ dày khoảng 15cm lên trên nền chuồng. Nếu kết hợp với trấu thì bà con hãy rải trấu trước với độ dày từ 8 đến 10cm, sau khi rải trấu xong thì tiếp tục rải mùn cưa có độ dày từ 7 đến 10cm. Trong trường hợp mùn cưa quá khô thì bà con có thể phun, tưới nước sạch đều lên lớp mùn cưa để nó đạt được độ ẩm khoảng 20% rồi trộn đều lên.
Muốn kiểm tra độ ẩm của mùn cưa đã đạt yêu cầu hay chưa, bạn có thể bốc thử một nắm mùn cưa lên tay và quan sát. Khi thấy hạt mùn cưa bị thấm ẩm nhưng vẫn tơi rời là được, hoặc dùng tay bóp chặt mùn cưa mà thấy mùn cưa vỡ ra là đạt yêu cầu, còn mùn cưa không vỡ mà đóng thành cục thì là quá ẩm. Sau khi rải lớp trấu và mùn cưa xong thì hãy thả gà vào.
Bước 2: Thực hiện tương tự như cách 1, nghĩa là sau 5 đến 7 ngày với gà úm và 1 đến 2 ngày với gà nuôi lấy thịt bạn hãy tiến hành cào nhẹ lớp mặt của đệm lót sinh học với độ sâu từ 1 đến 3cm. Trước khi cào hãy quây gà lại một chỗ để tránh gà bị stress.
Bước 3: Sau khi cào xong lớp mặt của chất độn chuồng, thì hãy rắc chế phẩm sinh học EM đã được ủ lên trên bề mặt của lớp trấu và mùn cưa. Cào nhẹ để lớp chế phẩm này được phân tán đều khắp toàn bộ chuồng gà.
Lưu ý, vì nhiệt độ của đệm lót khá cao, vì vậy bà còn cần lưu ý khi úm gà. Chỉ cần quây kín phía dưới khoảng <50cm, còn ở phía trên duy trì sự thông thoáng là được. Ngoài ra, vào mùa nắng nóng nếu muốn thắp đèn bạn phải nhớ treo lên cao, tránh làm nóng gà.
– Cót quây, chụp sưởi, rèm che…
Ngoài máng ăn, máng uống, đệm lót sinh học thì bạn còn phải chuẩn bị thêm một số dụng cụ khác để nuôi gà sao như chuồng nuôi, rèm che, cót quây, chụp sưởi,… Tất cả những dụng cụ này cần phải được chuẩn bị và khử trùng trước 2 đến 3 ngày. Đối với chuồng nuôi phải sử dụng KMnO4 và hóc-môn để xông hơi rồi sau đó đóng kín chuồng trong vòng 24 giờ. Ngày sau hãy mở cửa ra để thông hơi từ 12 giờ đến 24 giờ mới được thả gà vào nuôi. Cũng cần phải chuẩn bị đầy đủ thức ăn, thuốc thú y cần thiết cho đàn gà.
4. Chọn giống gà sao
Kỹ thuật nuôi gà sao chắc chắn sẽ không thể nào bỏ qua khâu chọn giống. Theo đó bà con nên chọn gà 1 ngày tuổi, ưu tiên những con nhanh nhạy, bộ lông mượt và bông, chân mập mắt tinh, sáng.
- Đối với gà mái sinh sản: Nên chọn những con có bộ lông mượt mài, tích đã đỏ, bụng mềm và phần xương chậu rộng.
- Đối với gà trống: Nên chọn con có tích tai đỏ to và cong hình cánh hoa đá, chân cao, hai cánh vững chắc và úp gọn trên lưng, dáng hùng dũng.
- Tỉ lệ ghép 1 trống/5 đến 6 mái: Thời điểm thích hợp để ghép gà trống và gà mái là lúc gà được 24 đến 25 tuần tuổi.
5. Chăm sóc gà sao con
– Úm gà
Để úm gà sao, bà con nên dùng tấm cót quây tròn với bán kính 1.5m để úm, quây cũng được bố trí ở bên trong chuồng. Sưởi quây trước 5h hãy đưa gà vào úm. Gà mới nhận về nên cho uống nước khoảng 2 giờ rồi mới cho ăn, tránh cho ăn ngay.
Vào mùa hè, trung bình mỗi quây nên úm khoảng 400 con, còn vào mùa đông có thể úm 500 con trong một quây. Mật độ thích hợp là 60 đến 70 con/m2. Thời gian úm gà từ 1 đến 21 ngày tuổi, nếu bà con muốn gà cứng cáp hơn có thể úm trong vòng 28 ngày. Nhiệt độ trong thời gian úm yêu cầu phải duy trì từ 29 đến 33 độ C.
Lưu ý: Khi úm gà nếu thấy chúng chụm lại nghĩa là nhiệt độ bị thấp. Ngược lại, nếu gà tản ra quanh khoanh cót nghĩa là nhiệt độ quá cao, làm nóng gà. Lúc này bà con cần điều chỉnh nhiệt độ bằng cách để bóng đèn lại gần hơn hoặc cách ra xa hơn đàn gà.
– Mật độ
Khi sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà sao bà con cần đảm bảo mật độ nuôi như sau:
- Từ 1 đến 7 tuần tuổi: Mật độ khoảng 10 đến 15 con/m2.
- Từ 8 đến 20 tuần tuổi: Mật độ khoảng 5 đến 6 con/m2.
- Từ 21 đến 28 tuần tuổi: Mật độ khoảng 3 đến 3.5 con/m2.
- Trên 28 tuần tuổi: Mật độ 3 con/m2.
– Nhiệt độ và độ ẩm
Gà con không thể điều chỉnh được thân nhiệt và rất cần hơi ấm. Vì vậy trong 3 ngày đầu bà con cần duy trì nhiệt độ trong quây đạt từ 30 đến 31 độ C. Vào ngày thứ 4 đến thứ 7 cần nhiệt độ từ 29 đến 30 độ C. Qua đến ngày thứ 8 đến 14 cần nhiệt độ từ 28 đến 29 độ C. Cuối cùng từ ngày 14 đến 21 thì nhiệt độ cần 26 đến 27 độ C.
Về độ ẩm cho gà sao yêu cầu chỉ từ 60 đến 70%. Vì vậy bà con cần đảm bảo chuồng trại nuôi gà phải khô ráo, đặc biệt là chuồng nuôi gà con không để cho chúng bị ướt.
– Ánh sáng
Ở 3 ngày đầu tiên, gà con cần được úm và phải bổ sung đầy đủ ánh sáng cho gà dễ dàng tìm thấy thức ăn cũng như nước uống, thời gian này tốt nhất là chiếu sáng 24 giờ. Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 bà con có thể giảm xuống còn 16 đến 20 giờ/ngày.
Đối với thiết bị chiếu sáng và sưởi cho gà bạn có thể dùng bóng đèn điện hay bóng hồng ngoại, đèn măng xông, bếp than, lò ủ trấu,… Ngoài ra, bà con cũng cần phải quan sát phản ứng của gà với ánh sáng để từ đó có sự điều chỉnh cho hợp lý.
– Cắt cánh
Cắt cánh cũng là một trong những kỹ thuật nuôi gà sao mà nhiều người chưa biết. Cụ thể, sau khi gà nở thì trong ngày đó bà con cần phải cắt cánh cho gà. Cách thực hiện cũng khá đơn giản, chỉ cần dùng sợi dây nung đỏ để cắt và chỉ cần cắt một cánh tại khớp xương thứ nhất. Lưu ý lúc thao tác phải thật chính xác và cần làm nguội chỗ cắt.
Nếu nuôi gà sao thả vườn thì không cần phải cắt cánh, còn nuôi gà trong chuồng trại thì phải cắt cánh để tránh gà bay ra ngoài. Hoặc nếu không cắt cánh bạn phải có lưới phủ trên, điều này cũng khá là tốn kém đấy nhé.
6. Khẩu phần dinh dưỡng và thức ăn cho gà sao
Thức ăn cho gà sao yêu cầu phải đảm bảo chất lượng, có sự cân đối về chất đạm, năng lượng và cũng cần phải bổ sung thêm bột đá, bột vỏ sò nhiều gấp 3 đến 4 lần so với những giai đoạn trước để giúp gà tạo được vỏ trứng. Cần đảm bảo hạn chế các tác nhân ở bên ngoài tối đa để tránh làm gà bị stress. Việc thay thế khẩu phần ăn của gà hậu bị sang thức ăn cho gà đẻ cũng phải được tiến hành từ từ.
- Trong 2 ngày đầu: Sử dụng 75% thức ăn cho gà dò + 25% thức ăn cho gà đẻ.
- Trong 2 ngày tiếp theo: Sử dụng 50% thức ăn cho gà dò + 50% thức ăn cho gà đẻ.
- Trong 2 ngày kế đó: Sử dụng 25% thức ăn cho gà dò + 75% thức ăn cho gà đẻ.
Bắt đầu từ ngày thứ 7 hãy cho gà ăn 100% thức ăn cho gà đẻ. Ngoài ra trong quá trình chăm sóc gà sao bà con cũng nên bổ sung các loại vitamin với công dụng kích thích, duy trì sinh sản như A, D, E. Trong điều kiện nắng nóng cần bổ sung thêm chất điện giải, đường gluco và vitamin C.
Định lượng thức ăn cho gà ở giai đoạn này phải được điều chỉnh căn cứ vào tỷ lệ đẻ, tháng tuổi của đàn gà. Trung bình khoảng từ 98 đến 105g/con/ngày là phù hợp. Nếu gà đẻ đạt tỉ lệ 60 đến 70% thì tăng thêm khẩu phần ăn 110g/con/ngày.
Nếu có điều kiện bạn cũng nên dùng máng ăn riêng cho gà trống và gà mái để đảm bảo chất lượng trứng ấp tốt nhất. Nguồn nước cho gà phải sạch, mát và thay thế 2 đến 3 lần trong ngày.
Để tăng hiệu quả chăn nuôi, quý bà con có thể tự sản xuất cám viên tại nhà với máy ép cám viên để tận dụng các nguồn nguyên liệu giá rẻ sẵn có tại địa phương. Việc chủ động nguồn thức ăn sẽ góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế, đảm bảo chất lượng thịt và trứng, nâng cao năng lực cạnh tranh.
7. Phòng bệnh
Vì gà sao có sức đề kháng tốt, chịu được điều kiện khí hậu ở Việt Nam nên kỹ thuật nuôi gà sao cũng không quá phức tạp. Song, đôi khi gà sao cũng có thể mắc một số bệnh về đường ruột Salmonella, thương hàn, E Coli,… Khi không phát hiện các bệnh này sớm và điều trị kịp thời có thể gây chết hàng loạt cho đàn gà. Lời khuyên của chúng tôi là bạn nên dùng thuốc kháng sinh đặc trị cho gà như ampicoli, tetracoli,… Và nên nhớ trước khi sử dụng phải đọc kỹ hướng dẫn, tuân thủ đúng liều lượng trên bao bì.
Ngoài ra, chuồng trại nuôi gà sao cũng cần phải được vệ sinh, khử trùng kỹ lưỡng. Kết hợp cùng với kỹ thuật nuôi gà sao mà chúng tôi chia sẻ ở trên đảm bảo giúp bà con thu lại được kết quả chăn nuôi như ý, hiệu quả kinh tế cao.
Mời bà con và các bạn theo dõi video mô hình nuôi gà sao tại Sóc Sơn, Hà Nội