Kỹ thuật chăn nuôi dê lấy sữa đơn giản, cho hiệu quả kinh tế cao
Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi ở Việt Nam có sự dịch chuyển theo hướng chăn nuôi động vật có móng, đặc biệt sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện vào năm 2019, việc chọn lựa vật nuôi có giá trị kinh tế cao, dễ thích nghi với điều kiện địa lý và môi trường ở nước ta càng được chú ý. Được biết đến là loại động vật dễ nuôi, mắn đẻ, dê không chỉ có giá trị cung cấp thịt mà còn là nguồn cung sữa dồi dào. Sữa dê là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng lại dễ tiêu hóa hơn sữa bò, thích hợp cho cả người lớn, trẻ nhỏ, người dưỡng bệnh. Vì vậy chăn nuôi dê lấy sữa là một hướng đi đúng trong phát triển nông nghiệp nước ta. Thông qua bài viết này, chúng tôi gửi đến bà con kỹ thuật nuôi dê lấy sữa đơn giản mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mục lục
1. Đặc tính sinh học của dê
1.1. Tập tính ăn uống và tiêu hóa
Dê là động vật ăn cỏ, thuộc nhóm nhai lại, chân có móng. Đây là loại gia súc thân thuộc với bà con nông dân và được nuôi ở hầu khắp các tỉnh thành của nước ta. Giống như trâu, bò, cừu… dê có khả năng tiêu hóa tốt những thức ăn thô xanh, nhiều chất xơ.
Tuy nhiên, dê có thể ăn nhiều loại lá đa dạng hơn hẳn so với trâu bò. Dê có khả năng thích ứng và ăn được những loại lá có mùi, thậm chí lá có độc tố, vị cay đắng mà nhiều loại gia súc khác không ăn được: lá xoan, lá xà cừ, cỏ bướm, lá keo tai tượng… Hay nói cách khác, dê là động vật phàm ăn và dễ dàng thích nghi với những loại thức ăn mới. Ngoài ra, khả năng sử dụng nước hiệu quả của dê cũng giúp cho loài này có khả năng chịu khát tốt, thích hợp với những vùng có khí hậu khắc nghiệt, hô hạn thường xuyên.
Móng của dê được cấu tạo hoàn toàn đặc biệt giúp loài này có khả năng leo trèo ở những địa hình chênh vênh, hiểm trở: vách đá, vách núi, thậm chí trèo hẳn lên cây… để tìm kiếm thức ăn. Dê thường không ăn những cây cỏ bị dính bụi bẩn, thức ăn rơi vãi trên đất mà thường tìm ăn lá trên cây ở độ cao yêu thích là từ 0,2-1,2m.
Về tiêu hóa, dạ dày dê có cấu tạo gồm 4 túi với các chức năng khác nhau:
Cũng giống như bò, dạ dày của dê cấu tạo thành 4 túi với các chức năng khác nhau: dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách và dạ múi khế. Ở mỗi độ tuổi khác nhau, các dạ này có sự phát triển không giống nhau. Khi đến độ tuổi trưởng thành, dạ cỏ phát triển nhất chiếm tới 80% dung lượng của toàn bộ dạ dày.
Dạ cỏ có chức năng chứa thức ăn ngay sau khi được đưa vào cơ thể, nó đóng vai trò đặc biệt quan trọng ở gia súc nhai lại nói chung và dê nói riêng. Tại đây, thức ăn được lên men bởi các vi sinh vật trong môi trường hiếm khí, với độ ẩm 80-90%, độ PH trung tính từ 6,5 – 7,4.
1.2. Về đặc điểm sinh trưởng và phát triển của dê lấy sữa
Việc tìm hiểu và nắm rõ đặc điểm sinh trưởng và phát triển của dê chính là một nội dung quan trọng trong kỹ thuật nuôi dê lấy sữa.
Cũng như các loại gia súc khác, quá trình sinh trưởng và phát triển của dê lấy sữa cũng phân ra thành những giai đoạn khác nhau. Tuy ở mỗi giống, tính biệt, điều kiện sinh trưởng, chăm sóc, môi trường quá trình này có thể diễn ra dài ngắn khác nhau, song có thể phân ra thành 4 giai đoạn: bào thai, sơ sinh, dê non và trưởng thành. Tương ứng với mỗi lại đòi hỏi bà con có chế độ chăm sóc, chế độ dinh dưỡng phù hợp, để dê đạt được tốc độ tăng trưởng tốt nhất.
Thông thường, ở mỗi mốc phát triển dê cần đạt được biểu cân nặng sau: sơ sinh: 2,5-3,5 kg; 3-9 tháng tuổi đạt: 23 – 29 kg; và đến mốc 18 tháng đạt: 30 – 40 kg.
Dê được biết đến là loại gia súc có khả năng sinh sản cao hơn hẳn so với trâu, bò. Ở độ tuổi 6 – 8 tháng, dê động dục lần đầu nhưng thời gian tốt nhất để phối giống từ 8 – 10 tháng và sinh lứa đầu ở lúc 14 tháng.
2. Kỹ thuật nuôi dê lấy sữa – Cách chọn giống dê cái
Được đánh giá là khâu đầu tiên trong kỹ thuật nuôi dê lấy sữa, việc lựa chọn giống dê cái phù hợp cho mục đích nuôi lấy sữa quyết định đến hiệu quả kinh tế. Sản lượng sữa của dê phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: giống, lứa đẻ, chế độ dinh dưỡng, chế độ chăm sóc… Hiện nay có rất nhiều các giống dê lấy sữa khác nhau đang được bà con nông dân nuôi trên cả nước. Từ việc phân tích các đặc tính sinh học, chu kỳ động dục, lượng sữa và chu kỳ cho sữa có thể thấy giống dê sữa có những ưu điểm nổi bật hơn hẳn và là lựa chọn tối ưu khi bà con nuôi dê lấy sữa.
Để tính sản lượng sữa của mỗi con dê trong một năm, người ta dựa vào năng suất sữa/con/ngày, thời gian cho sữa/mỗi chu kỳ cho sữa, số lứa đẻ/năm.
Để chọn được giống dê lấy sữa tốt, bà con cần chú ý đến những đặc điểm sau: thân hình cân đối, đầu rộng và dài, cổ dài, mềm mại, khỏe khắn, thon dần về phía đầu; đầu rộng và dài, hàm dài và khỏe; lưng thẳng, mình dầy, sườn cong về phía sau; mông tròn, hông rộng và hơi nghiêm; chân trước thẳng, cân đối, khớp mắt cá thẳng; mạch máu lớn nổi rõ ở phía sau cổ, bầu sữa to, núm vú to, dài, gân sữa nhiều nếp gấp.
Đặc biệt cần quan sát bầu sữa, bởi bầu vú dê nằm ở dưới bụng, giữa hai chân sau gồm có tuyến sữa và hai núm vú nằm đối xứng với nhau ở giữa hai chân. Các tuyến sữa được bố trí theo dạng chùm, gồm có nhiều thùy được tạo nên từ nhiều tuyến hình túi. Thông qua việc quan sát bầu vú giúp cho bà con có thể dự đoán một con dê có khả năng cho sữa nhiều hay không.
3. Cách chăm sóc và chế độ dinh dưỡng của dê lấy sữa
Để dê cho sản lượng sữa cao, bà con cần đặc biệt chú ý đến cách thức chăm sóc và chế độ ăn của dê: đảm bảo khẩu phần, chất lượng thức ăn theo từng mùa cho dê. Ngoài ra, cần bổ sung thêm các thức ăn giàu dinh dưỡng, thức ăn tinh, bổ sung kèm với thức ăn thô.
Đảm bảo dê được cung cấp đủ nước theo nhu cầu, vệ sinh sạch sẽ và thường xuyên thay nước mới đặc biệt vào mua khô, nóng. Bởi theo tính toán, để sản xuất 1 lít sữa dê cần uống tối thiểu 1,3 lít nước. Mặt khác, dê cho sản lượng sữa càng dồi dào thì khẩu phần ăn hàng ngày càng lớn. Ví dụ: một con dê có trọng lượng 30 kg, cho lượng sữa 1 lít/ ngày, cần được cung cấp khẩu phần ăn 3 kg cỏ tươi.
Bà con có thể tham khảo một số khẩu phần ăn cho dê sữa theo bảng dưới đây (đơn vị kg/con/ngày).
Để đảm bảo nguồn cung cấp và chất lượng sữa của dê, cần chú ý chăm sóc dê cái ngay trong thời gian mang thai, đây là giai đoạn dự trữ năng lượng và là tiền đề giúp dê tiết sữa giai đoạn sau.
Theo kỹ thuật nuôi dê lấy sữa từ các chuyên gia, sau khi đẻ, dê cần cung cấp khẩu phần ăn hợp lý để phục hồi và tiết sữa. Bà con có thể tham khảo khẩu phần ăn cho dê cái sau sinh như sau:
- Với dê cái sinh cần đầu, do thiếu kinh nghiệm, bà con cần thăng thêm 10% khẩu phần ăn, trong đó có chứa đạm dễ tiêu.
- Tăng thêm 15g đạm dễ tiêu vào khẩu phần ăn cho dê mới đẻ, 0,15 kg thức ăn.
- Dê đang cho sữa cần bổ sung thêm 25 – 30g đạm dễ tiêu và tăng thêm từ 0,2 – 0,3 đạm dễ tiêu vào khẩu phần ăn hàng ngày.
Bà con cũng cần bổ sung thêm nguồn thức ăn giàu đạm, muối, khoáng… kết hợp với thức ăn thô tươi ngon vào chế độ ăn của dê lấy sữa. Đặc biệt cần đa dạng hóa thức ăn cho dê bằng việc tận dụng nguồn thức ăn từ các phụ phẩm nông nghiệp, tấm, cám, gạo, ngô… Cần chú ý kích thích dê ăn nhiều, bằng các loại thức ăn được chế biến, giàu dinh dưỡng: cháo, cám… Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là bổ sung quá nhiều thức ăn tinh, bởi làm như vậy không những không làm tăng lượng sữa mà trái lại còn khiến cho dê dễ mắc bệnh và làm chi phí chăn nuôi tăng lên đáng kể.
4. Kỹ thuật nuôi dê lấy sữa – Cách làm chuồng
Hiện nay có nhiều mô hình nuôi dê lấy sữa ở Việt Nam mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó việc xây dựng chuồng trại đặc biệt được chú ý. Trang trại nuôi dê lấy sữa thường được chọn theo hướng Đông Nam để đảm bảo mát mẻ vào mùa hè, tránh gió lùa vào mùa đông. Việc xây dựng chuồng trại rộng rãi, bài bản, phân chia thành nhiều ngăn, nhiều chuồng khác nhau đòi hỏi bà con cần phải đầu tư và tính toán cẩn thận nhưng đây là việc làm cần thiết nếu như bà con xác định chăn nuôi lấy dê sữa theo hướng công nghiệp.
Trang trại nuôi dê lấy sữa thường được xây thành 2 dãy song song, ở giữa có bố trí một lối đi rộng khoảng 3m. Khung chuồng phải cao tối thiểu từ 1m – 1,5m tránh dê có thể vượt chuồng ra ngoài. Sàn chuồng thường được làm từ tre, gỗ, nứa hoặc có thể dùng gạch, đảm bảo chuồng trại luôn khô thoáng, không trơn trượt. Cửa chuồng có chiều cao tối thiểu 60cm, đảm bảo cho việc dê di chuyển dễ dàng khi ra vào. Bà con có thể xây thêm hố láng xi măng sâu tầm 30cm để lấy phân dê.
Máng thức ăn cho dê cần được bố trí hợp lý (thường cao 30 – 40cm với chuồng dành cho dê con và cao 50 – 60cm với chuồng dê mẹ), không quá thấp để dê có thể thuận tiện ăn uống. Bà con nên bố trí máng ăn theo tỉ lệ 2 con dê/1 máng ăn, tránh việc dê sữa tranh nhau khi ăn.
Để giảm chi phí chăn nuôi, bà con có thể tận dụng quỹ đất để làm bãi chăn thả kết hợp với trồng cỏ để cung cấp thêm thức ăn tươi xanh, góp phần làm giảm chi phí trong chăn nuôi và tăng hiệu quả kinh tế.
Bà con có thể tham khảo mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, đây là mô hình chăn nuôi dê lấy sữa trên một nền đệm lót bằng các nguyên liệu như trấu, mùn cưa,…
Đặc biệt, bà con có thể sử dụng thêm các chế phẩm sinh học vào quá trình chăn nuôi, đây được đánh giá là một kỹ thuật chăn nuôi dê sữa theo hướng hiện đại và thân thiện với môi trường.
Đệm lót sinh học VBio, đây là dòng sản phẩm có nhiều ưu điểm nổi bật: Khử mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi: H2S, NH3; Có khả năng phòng chống dịch bệnh: hen, thối bàn chân; Giúp phân hủy chất thải, mùn và bã hữu cơ. Việc sử dụng đệm lót sinh học VBio giúp bà con tiết kiệm nhân công và sức lao động trong chăn nuôi dê lấy sữa vì không phải dọn rửa chuồng thường xuyên, hay định kì thay đệm lót mà vẫn đảm bảo vệ sinh,…
Bà con có thể sử dụng thêm chế phẩm EM VBio (bột), chế phẩm EM dạng lỏng, chế phẩm rỉ mật đường, men ủ thức ăn làm tăng giá trị dinh dưỡng và khả năng hấp thu dinh dưỡng của dê lấy sữa.
5. Khai thác và bảo quản sữa dê
5.1. Về kỹ thuật khai thác sữa dê
Các mô hình chăn nuôi dê lấy sữa ở Việt Nam ngày càng phát triển, bên cạnh kinh nghiệm bà con đã ứng dụng và cập nhật nhiều thông tin khoa học kỹ thuật để áp dụng vào quá trình chăn muôi và khai thác sữa dê.
Vào buổi sáng sớm và buổi chiều là thời điểm dê cái cho nhiều sữa nhất, bà con nên tiến hành vắt sữa vào hai thời điểm này. Lượng sữa vắt cần lưu ý vào sản lượng sữa của dê mẹ và số lượng con mà dê mẹ đang nuôi. Bà con chỉ nên vắt sữa của những dê mẹ đang nuôi 1 con.
Trước khi vắt sữa cần phải vệ sinh sạch sẽ bầu vú, núm vú, tay hoặc máy dùng để vắt sữa. Quá trình này, cần đòi hỏi đúng quy trình và kỹ thuật như sau:
- Rửa sạch, khử trùng sạch tay khi vắt sữa.
- Vệ sinh bầu vú, núm vú của dê bằng nước ấm hoặc sử dụng nước sạch có chất sát khuẩn, dùng khăn sạch nhẹ nhàng lau khô bầu vú và tay người vắt.
- Ngón tay cái và núm tay trỏ đặt ở gốc núm vú, dùng lực siết chặt; đảm bảo sữa không bị trào ngược vào trong.
- Dùng ngón giữa siết chặt đẩy sữa ra ngoài; những tia sữa đầu tiên cần loại bỏ để tránh bị nhiễm khuẩn, chỉ lấy những tia sữa sau để đảm bảo chất lượng.
- Dùng ngón tay đeo nhẫn và ngón út để siết đều đặn để rút sữa ra ngoài.
- Thả lỏng bàn tay và lặp lại chu trình trên.
- Khi thấy sữa ra ít hoặc không đều, bà con có thể dùng tay xoa nhẹ nhàng hoặc gãi nhẹ bầu vú để kích thích các tia sữa.
- Các thao tác trên được làm liên tục cho đến khi lượng sữa kiệt, dừng vắt sữa và dùng tay nhẹ nhàng vuốt dọc từ bầu đến núm vú.
- Vệ sinh, sát khuẩn và lau sặc bầu vú và núm vú sau khi vắt sữa.
Các bước trên cần được tuân thủ chặt chẽ để đảm bảo sản lượng và chất lượng sữa của dê.
5.2. Bảo quản sữa dê
Sữa dê sau khi vắt, bà con cần lọc qua và cân để nắm được sản lượng sữa của từng dê cái. Sau đó, sử dụng bình nhôm để chứa sữa, thả nổi bình sữa vào nồi hấp cách thủy và phải kiểm soát nhiệt độ chặt chẽ bằng nhiệt kế. Cần khuấy đều tay và liên tục khi thấy sữa bắt đầu bốc hơi hoặc tới khi sữa đạt 80 độ C; bà con giữ ở nhiệt độ trên trong khoảng 30 giây rồi vớt bình sữa ra thả ngay vào chậu nước lạnh; tiếp tục khuấy để hạ dần nhiệt độ của sữa. Cuối cùng, cất trữ sữa trong cách bình khử trùng và bọc kín lại.
6. Phòng và điều trị những bệnh hay gặp ở dê sữa
Ngoài những bệnh thông thường ở dê, dê cho sữa còn hay gặp một số căn bệnh sau:
6.1. Bệnh sốt sữa ở dê
Đây là căn bệnh hình thành do khẩu phần ăn của dê sữa bị thiếu hụt phốtpho và canxin trong thời gian dài, dẫn đến những hiện tượng nghiêm trọng như rối loạn thần kinh và sốt sữa. Bệnh khiến cho dê bị suy nhược cơ thể, mạch đập nhanh, thân nhiệt giảm nhanh chóng, ăn, ngủ kém, mạch đập loạn. Bệnh ở thể nặng có thể dẫn tới bại liệt, co giật ở dê.
Khi xuất hiện những triệu chứng trên bà con cần khẩn trương liên hệ với bác sĩ thú y hoặc điều trị bằng cách sử dụng dung dịch canxi clorua 10% hoặc canxi gluconat 30% từ 15 -30 ml, tiêm trực tiếp vào ven liên tục trong vòng 3 ngày. Kết hợp với việc điều chỉnh, cải thiện chế độ ăn của dê, tăng cường thêm canxi và phốt phô trong cả thời kỳ mang thai và thời gian dê cho sữa.
6.2. Bệnh viêm vú ở dê
Bầu vú và đầu vú là bộ phận đặc biệt nhạy cảm ở dê trong thời gian cho sữa, việc chủ quan chăm chăm sóc, vệ sinh không đúng cách, sử dụng dụng cụ vắt sữa không đảm bảo vệ sinh, kỹ thuật vắt sữa không đúng làm cho đầu vú bị viêm, sưng. Khi gặp tình trạng này, vú dê có hiện tượng nóng, rát, gây khó chịu và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và sản lượng sữa.
Lúc này, bà con cần chữa trị bằng cách sửa dụng khăn sạch thấm nước ấm có pha muối với nồng độ 5% để chườm vú nhiều lần làm mềm và làm sạch bầu vú. Kết hợp với đắp cao tan vào bên vú bị viêm, kết hợp vệ sinh vú và dụng cụ vắt sữa hàng ngày.
Nếu dê bị viêm vú nặng, có hiện tượng ra mủ và sốt cao, bà con cần liên hệ với bác sĩ thú y để có thể dùng thuốc đúng cách.
Trên đây, LamnongTV vừa gửi tới bà con những nội dung cơ bản về kỹ thuật nuôi dê lấy sữa từ chuyên gia. Chúc bà con áp dụng đúng kỹ thuật, nuôi dê lấy sữa đạt hiệu quả kinh tế cao.