Kỹ thuật nuôi ốc nhồi trong ao đất đơn giản, đem lại hiệu quả kinh tế cao
Ốc nhồi hay còn có tên gọi khác là ốc bươu đen. Ốc nhồi ta là loại ốc sống ở các vùng ao hồ nước ngọt, đồng ruộng. Loại ốc này có giá trị cao về mặt kinh tế cũng như giá trị dinh dưỡng. Hiện nay, ốc nhồi đang là một loại thực phẩm được ưa chuộng trên thị trường. Vì vậy, mà nhiều bà con nông dân đã có nhiều mô hình nuôi ốc nhồi làm giàu hiệu quả, và mở ra hướng phát triển kinh tế mới. Nuôi ốc nhồi không khó, nhưng bà con vẫn cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn kỹ thuật để nuôi ốc nhồi thành công. Dưới đây là hướng dẫn kỹ thuật nuôi ốc nhồi trong ao đất, mời bà con cùng theo dõi.
1. Giới thiệu ốc nhồi
Ốc nhồi (Pila polita) được biết đến là loài động vật thân mềm đặc hữu của các thủy lực nông, nước ngọt. Vỏ ốc nhồi ta có vỏ mỏng, nhẵn, bóng, có màu đen hoặc vàng hanh, màu của ốc cũng có thể phụ thuộc vào nguồn nước. Phần miệng ốc có hình dạng khum vào và bằng phẳng. Giữa phần thân và phần miệng không có hõm, đây được coi là điểm giúp bà con phân biệt ngay cả khi ốc nhồi còn bé. Ốc nhồi có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao. Kỹ thuật nuôi ốc nhồi trong ao đất đang là mô hình được rất nhiều bà con lựa chọn để dẫn tới thành công một cách đơn giản nhất.
1.1. Phân biệt giữa ốc nhồi với ốc bươu vàng
Nếu không biết phân biệt, bà con rất dễ nhầm giữa ốc nhồi với ốc bươu vàng. Vậy, phân biệt 2 loại ốc này thế nào? Để phân biệt ốc nhồi và ốc bươu vàng, bà con chú ý đến những đặc điểm sau:
– Kích thước của ốc: Khi trưởng thành, ốc nhồi sẽ có kích thước lớn hơn hẳn so với loại ốc bươu vàng.
– Vỏ ốc: Ốc nhồi có vỏ bóng, nhẵn màu đen. Ốc bươu vàng vỏ có màu vàng cùng các đường kẻ, đường viền xung quanh thân ốc rõ nét.
– Miệng ốc: Vỏ miệng của ốc nhồi nhẵn và bằng phẳng hơn so với vỏ miệng của ốc bươu vàng.
– Đặc điểm nhận biết chính xác nhất đó là khi mổ 2 loại ốc này ra, ốc bươu vàng sẽ có một cục màu hồng trong phần thịt đầu, cục màu hồng này chính là cấu tạo dạ dày của ốc bươu vàng, còn ốc nhồi không có. Đặc biệt, trong dạ dày của ốc bươu vàng chứa rất nhiều các ký sinh trùng có hại, nếu ăn phải sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe của con người. Do vậy, bà con cần hết sức lưu ý và phân biệt 2 loại ốc này trước khi nuôi.
1.2. Công dụng của ốc nhồi
Ốc nhồi là nguyên liệu để chế biến thành nhiều món ăn dân dã khác nhau: như ốc xào, bún ốc, canh ốc hay những món đặc sản: ốc nhồi thịt, ốc hấp lá gừng, ốc nhồi hấp sả.
Trong 100g ốc nhồi có 77,6 g nước, 11,9g protid, 7,6g glucid, 0,7g lipid, cung cấp khoảng 86 Kcalo. Ngoài ra, ốc nhồi còn rất giàu muối khoáng, đặc biệt là canxi, photpho, các loại vitamin. Theo đông y, ốc nhồi vị ngọt, mặn, tính hàn, vào vị, đại tràng, bàng quang. Vỏ ốc cũng có vị ngọt, tính bình, có công năng lợi thủy thanh nhiệt. Dùng cho các trường hợp sốt nóng, đái khó, bị phù nề, vàng da hoặc bị bệnh tiểu đường. Vỏ ốc có tác dụng giải tâm phiền.
1.3. Giá trị kinh tế của ốc nhồi
Giá bán ốc thương phẩm trên thị trường hiện nay dao động từ 80.000 – 120.000 đồng. Cũng tùy địa phương mà có mức giá khác nhau, tuy nhiên sự chênh lệch so với mức giá trung bình không nhiều. Mô hình nuôi ốc nhồi trong ao đất đã giúp nhiều bà con nông dân thu lại lợi nhuận cao từ việc bán ốc thương phẩm và kèm bán giống ốc nhồi.
2. Kỹ thuật nuôi ốc nhồi trong ao đất – Chuẩn bị ao nuôi
Ốc nhồi trước đây thường sinh sống rất nhiều tại đồng ruộng, ao hồ, nhưng hiện nay do ảnh hưởng của môi trường số lượng ốc bươu đen trong tự nhiên không còn nhiều. Mà trên thị trường hiện nay, ốc là một món ăn được ưa chuộng. Để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, các mô hình nuôi ốc nhồi trong ao đất là giải pháp phù hợp. Kỹ thuật làm ao nuôi ốc nhồi lại rất đơn giản.
2.1. Chuẩn bị ao nuôi
– Trước khi tiến hành nuôi ốc bươu đen, bà con cần chuẩn bị ao nuôi. Ao nuôi cần được nạo vét sạch và xử lý ao trước khi nuôi để tránh ao không bị ô nhiễm nguồn nước, không có các loại địch hại phá hoại ốc như cá trắm đen hay chuột. Bà con có thể dùng vôi, mật rỉ đường để bón cho ao nuôi ốc nhồi để trung hòa lượng pH.
– Cần phát quang bụi rậm xung quanh bờ ao, tránh chuột làm tổ và thuận lợi chăm sóc, thu hoạch. Bà con nên trồng thêm các loài thực vật trong ao như rong tảo, bèo tây, bông súng,… để tăng độ mát và tạo chỗ bám cho ốc. Đặc biệt, khi vào mùa đông lạnh ở miền Bắc, việc trồng thêm các loại bèo tây, bông súng sẽ giúp tạo độ ẩm, nơi trú ẩn cho ốc. Bà con có thể bón thêm phân hữu cơ cho ao để tạo độ màu mỡ cho đất, và thuận lợi cho ốc tìm kiếm nguồn thức ăn.
2.2. Mực nước trong ao nuôi
Mực nước lý tưởng của ao nuôi ốc nhồi riêng biệt là từ 0,8 đến 1,5m. Ốc thường tập trung ở một số khu vực nhất định chứ không phân bố đều, do vậy bà con nên đa dạng ao nuôi bằng cách tạo địa hình có độ nông sâu khác nhau để thuận tiện trong việc chăm sóc, theo dõi ốc nhồi.
2.3. Môi trường nuôi ốc nhồi
Ốc nhồi sống trong môi trường nước ngọt không bị nhiễm mặn. Nhiệt độ thích hợp để ốc sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh là từ 22-30 độ C. Nếu gặp thời tiết nóng hơn hoặc lạnh hơn ốc sẽ dừng đi kiếm ăn và lui vào trú ẩn. Vào mùa đông, nuôi ốc nhồi miền Bắc nếu gặp thời tiết lạnh dưới 10 độ C thì khả năng ốc sẽ bị chết nhiều. Vì vậy, bà con cần có các biện pháp khắc phục khi nuôi ốc vào thời điểm này. Theo kinh nghiệm, bà con nên trồng vào ao nuôi cây bèo tây để giúp ao nuôi được ấm áp vào mùa đông, ốc cũng có nơi để trú ẩn. Không những vậy, đây cũng là nguồn thức ăn của ốc.
3. Chọn ốc nhồi giống
Chọn ốc nhồi giống là khâu rất quan trọng để đảm bảo ốc sinh trưởng và phát triển tốt. Ốc nhồi giống được chọn cần phải là những con khỏe mạnh, có chất lượng tốt. Phần vỏ ốc không được sứt mẻ, phần đỉnh vỏ ốc có màu tươi sáng. Kích thước ốc giống trong khoảng 0,4-0,6g/con. Khi vận chuyển ốc giống cần được giữ ẩm, nhưng không được bọc kín bằng túi nilon mà cần tạo độ thông thoáng với môi trường bên ngoài.
Để biết thêm thông tin chi tiết về giống ốc nhồi cũng như địa chỉ uy tín bán ốc nhồi, mời bà con tham khảo bài viết Trang trại bán giống ốc nhồi uy tín, chất lượng nhất trên thị trường.
4. Kỹ thuật nuôi ốc nhồi trong ao đất
4.1. Thả ốc nhồi con
Khi thả ốc xuống ao nuôi, bà con cần thả ốc vào chậu rồi cho từ từ nước vào chậu để ốc thích nghi dần với môi trường nước mới, sau đó khoảng 30-45 phút thì mới tiến hành thả ốc xuống ao.
Mật độ nuôi ốc nhồi trong ao đất là từ 100-300 con/ 1m2 bề mặt ao. Thời vụ thả ốc nhồi giống là vào tháng 4-8 hàng năm đối với các tỉnh miền Bắc. Do bị ảnh hưởng bởi mùa đông lạnh, nên ở miền Bắc có thể xuống sớm và có thể kết thúc muộn hơn.
4.2. Nuôi ốc nhồi sinh sản
– Đối với kỹ thuật nuôi ốc nhồi sinh sản, đầu tiên bà con chọn ốc bố mẹ từ ốc thương phẩm. Các con ốc bố mẹ cần đảm bảo khỏe mạnh, trọng lượng trung bình khoảng 25-30 con/kg, ốc có màu đen đặc trưng của ốc bươu đen.
– Tỷ lệ thả ốc sinh sản đực cái là 1:1, mật độ nuôi ốc sinh sản từ 25-30 cặp ốc bố mẹ /m2. Độ sâu mực nước nuôi ốc sinh sản từ 0,5-0,8m.
– Ao nuôi ốc nhồi sinh sản cần có lục bình cập bờ để ốc thuận tiện lên bờ sinh sản. Tập tính sinh sản của ốc nhồi là chúng thường đẻ trứng vào ban đêm. Sau khi ốc đẻ trứng từ 8-12h, vỏ trứng đã cứng, bà con tiến hành thu hoạch trứng ốc nhẹ nhàng, rửa sạch sau đó cho vào bể ấp.
4.3. Kỹ thuật nuôi ốc nhồi trong ao đất – Thức ăn cho ốc nhồi
Để ốc nhồi sinh trưởng, phát triển tốt và nhanh cho thu hoạch thì thức ăn cho ốc nhồi rất quan trọng. Lượng thức ăn hàng ngày của ốc chiếm khoảng 10% trọng lượng tổng số lượng ốc dưới ao.
Các loại thức ăn cho ốc nhồi: Ốc nhồi có thể ăn được đa dạng các loại thức ăn. Từ các loại thức ăn xanh dễ kiếm trong tự nhiên như: các loại rau (rau muống, khoai lang, xà lách,…), rau bèo, các loại cỏ dại, các loại quả; Thức ăn tinh có thể sử dụng các loại cám cho cá, bột cám gạo, cám ngô.
Ngoài ra để chế biến thức ăn thô cho ốc đạt hiệu quả, đảm bảo dinh dưỡng bà con nên sử dụng Máy băm nghiền đa năng 3A1,5Kw. Việc sử dụng các loại rau quả được cắt thái nhỏ giúp ốc có thể ăn dễ dàng, tiêu hóa tốt. Giúp bà con tiết kiệm tối đa thời gian và công sức chăn nuôi mà vẫn mang lại hiệu quả cao.
– Mỗi ngày bà con cho ốc nhồi ăn một lần vào một giờ cố định. Ốc gần đến giai đoạn thu hoạch bà con nên tăng lượng thức ăn hàng ngày lên. Nếu trong ao nuôi có nhiều thức ăn từ nguồn tự nhiên thì có thể giảm khẩu phần ăn của ốc.
5. Thu hoạch ốc nhồi
Thời gian nuôi ốc nhồi thường từ 3-4 tháng khi ốc trong ao đạt trọng lượng 25-30 con/kg là có thể thu hoạch để xuất bán. Bà con có thể thu hoạch ốc theo hình thức tỉa dần, có nghĩa là bắt những con lớn đạt trọng lượng trước, để lại những con bé nuôi tiếp. Đây là hình thức nuôi gối đàn thích hợp cho ốc phát triển và giảm lượng thức ăn không cần thiết.
Khi thu hoạch ốc, bà con thu ốc vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát, lúc này ốc nổi lên trên đi tìm ăn nên rất dễ bắt. Bà con có thể bớt lại một lượng bố mẹ nhất định để nuôi ốc sinh sản cho vụ sau.
6. Một số bệnh thường gặp của ốc nhồi và cách phòng bệnh
6.1. Các loại ký sinh trùng
Nội ký sinh: Chỉ các ký sinh trùng ký sinh trong các cơ quan nội tạng, cơ. Loại này thường là sán lá, giun tròn…
Ngoại ký sinh: Chỉ các ký sinh trùng có trên bề mặt cơ thể, ở loại ốc thường ký sinh trên vỏ ở vòng xoắn hoặc trên đỉnh vỏ, nắp mài, chân,…
Nguồn lây nhiễm: Trứng, ấu trùng hoặc bào nang của ký sinh theo nguồn nước hoặc thức ăn xâm nhập vào. Chúng gây hại ở hầu hết các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của ốc. Giun tròn ký sinh phát triển ở nhiệt độ 25 – 320C. Vòng đời của chúng từ trứng sau đó trưởng thành mất khoảng 7 ngày nếu gặp điều kiện thuận lợi.
6.2. Bệnh do ký sinh trùng giun tròn
Biểu hiện:
- Ốc có biểu hiện bất thường như chậm lớn, hoạt động chậm chạp.
- Ốc bị giun tròn ký sinh thường bị mỏng vỏ hoặc mòn vỏ.
- Ốc chế rải rác khi bị giun tròn ký sinh.
- Dấu hiệu bên trong: Khi soi kính hiển vi điện tử sẽ thấy ấu trùng, giun trưởng thành.
6.3. Bệnh do ấu trùng sán lá ký sinh ở Ốc nhồi
Biểu hiện:
- Ốc có dấu hiệu bất thường như chậm lớn, yếu.
- Không có dấu hiệu ở trên vỏ nên bà con khó có thể phát hiện được bệnh.
- Thịt ốc: Ốc bị nhiễm bệnh sán lá thường bị mềm thịt, gan chuyển màu tối.
6.4. Bệnh đỉa ở ốc nhồi
Biểu hiện:
- Tác nhân gây bệnh là đỉa ốc
- Ốc bị bệnh sẽ hoạt động chậm và yếu..
- Quan sát nội tạng ốc có đỉa ký sinh trong gan và mang.
6.5. Bệnh sưng vòi ở ốc nhồi
Biểu hiện:
- Bệnh thường do nguyên nhân chính là môi trường nước xấu, mật độ vi khuẩn cao xâm nhập gây viêm.
- Ốc bị sưng vòi thường bơi chậm chạp nổi trên mặt nước, vòi bị sưng và thâm, bươi nghiêng hoặc ngửa trên mặt nước.
Hướng dẫn bà con cách phòng bệnh cho ốc nhồi một cách đơn giản mà hiệu quả
Để giúp bà con chăn nuôi ốc nhồi một cách thuận lợi và cho năng suất cao, thì khâu phòng bệnh cho ốc là hết sức quan trọng. Trước và trong quá trình nuôi bà con cần thực hiện việc xử lý nước ao, cải tạo đất ao và khử trùng định kỳ trong quá trình nuôi.
– Dùng EM để xử lý nước ao, bà con cần theo dõi các bước sau:
- Bước 1: Bà con lấy 200gr EM gốc bột sản xuất ra 20 lít EM1.
- Bước 2: Hòa tan 1kg đường tán hoặc 1.5kg mật rỉ với khoảng 2 lít nước sạch, cho vào can nhựa 20 lít, thêm 16 lít nước sạch, bổ sung 200gr EM gốc bột, lắc đều, thêm nước sạch gần đến miệng thùng, đậy hở nắp. Để trong thời gian từ 3 -5 ngày, mùi vị thơm, chua nhẹ.
- Bước 3: Khuấy đều trước khi sử dụng. Sử dụng 5 lít chế phẩm EM thứ cấp phun đều trên diện tích 1000 m2 bề mặt nước ao nuôi ốc nhồi, cứ 7 ngày/ lần.
– Khử trùng định kỳ trong quá trình nuôi
Để khử trùng định kỳ trong quá trình chăn nuôi ốc nhồi một cách hiệu quả, bà con có thể sử dụng Thuốc khử trùng sát khuẩn Cloramin B.
Trên đây là những chia sẻ về kỹ thuật nuôi ốc nhồi trong ao đất đơn giản, giúp bà con nông dân nuôi ốc thương phẩm thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để biết thông thông tin chi tiết về kỹ thuật nuôi ốc nhồi và địa chỉ bán giống ốc nhồi uy tín, bà con hãy liên hệ ngay tới Viện Nghiên cứu Sinh học và Ứng dụng. Viện luôn sẵn sàng phục vụ bà con để dẫn tới thành công một cách đơn giản. Chúc bà con luôn mạnh khỏe thành công trong nghề nuôi ốc nhồi của mình.